“Đầu tàu” ở Đồng Mây

Minh Phương 07:35, 10/03/2023

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư phát triển kinh tế, ông Hoàng Đăng Vinh, sinh năm 1959, là một trong những tấm gương sáng của bà con dân tộc Nùng ở xóm Đồng Mây, xã Tân Long (Đồng Hỷ). Ông cũng là người “khai sinh” ra Hợp tác xã (HTX) Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Tân Long nổi tiếng về dê giống và các sản phẩm từ dê…

Từ nuôi dê núi, gia đình ông Hoàng Đăng Vinh có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Từ nuôi dê núi, gia đình ông Hoàng Đăng Vinh có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Đến xóm Đồng Mây hỏi thăm ông Vinh chăn nuôi dê, bà con chòm xóm nhiệt tình chỉ cho chúng tôi căn nhà sàn nằm ẩn mình giữa những dãy núi đá tận bên Đồng Luông.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Vinh chia sẻ: Từ khi còn là cán bộ xã với nhiều chức danh như Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Công an xã, tôi thấu hiểu hoàn cảnh, điều kiện và nhu cầu của bà con vùng núi, nhất là những người lớn tuổi không thể vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp. Sau khi khảo sát, nắm bắt rõ nhu cầu thị trường và tham gia học tập tại một số lớp tập huấn của cán bộ khuyến nông về triển khai tại cơ sở, năm 2000, tôi thực hiện mô hình nuôi dê theo hướng chăn thả và sản xuất các sản phẩm từ thịt dê.

“Địa hình của xã Tân Long chủ yếu là núi đá với 2.000ha rừng phòng hộ và trên 1.200ha rừng sản xuất, đây là điều kiện thuận lợi để tôi phát triển mô hình nuôi dê. Không gian rộng lớn, có nhiều loại lá cây mà dê có thể ăn được nên rất thích hợp để chăn nuôi giống này” - ông Vinh nói.

Thời gian đầu, ông nuôi 15 con dê, trong đó có 7 con cái sinh sản. Năm 2019, ông về nghỉ hưu và bắt đầu phát triển đàn dê số lượng lớn. Hiện tại, gia đình ông duy trì thường xuyên 4 chuồng nuôi dê với số lượng trên 100 con, trung bình thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi dê núi, ông Vinh cho hay: Theo kinh nghiệm của tôi, để dê sinh trưởng và phát triển tốt, khâu quan trọng là lựa chọn con giống chất lượng; làm tốt công tác phòng dịch bệnh, chuồng đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, tránh nắng nóng, gió lùa. Ngày nào cũng đều đặn, ăn cơm trưa xong là tôi lại cho đàn dê lên núi...

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Hoàng Đăng Vinh còn nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dẫn bà con trong xóm kinh nghiệm nuôi dê núi. Tháng 9-2022, ông đứng ra thành lập HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Tân Long với 11 thành viên.

Với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, ông đã cùng Ban Giám đốc xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh từng năm; chuyển giao kỹ thuật nuôi dê núi cho các thành viên. Những năm tiếp theo, ông cùng các thành viên xây dựng HTX phát triển theo chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế hợp tác, xây dựng nhãn mác, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trên thị trường.

Ông Vinh tâm sự: Bản thân tôi là người dân tộc thiểu số nên rất hiểu và đồng cảm với bà con quê hương mình. Tôi luôn tâm niệm phải hết sức nỗ lực để góp phần cùng bà con đưa thương hiệu của HTX đi xa hơn nữa.

Anh Hoàng Văn Chức, cán bộ khuyến nông xã Tân Long, cho biết: Trong khi người chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do đầu ra bấp bênh, thiếu ổn định, giá bán ở nhiều thời điểm giảm sâu thì dê vẫn giữ giá, đầu ra thuận lợi. Tổng đàn dê của xã hiện có khoảng gần 1.000 con với trên 35 hộ nuôi, quy mô từ 20-50 con/hộ, chủ yếu ở các xóm: Làng Giếng, Lân Quan, Làng Mới, Ba Đình…

Nói về ông Vinh, người có uy tín của xóm Đồng Mây, ông Lăng Viết Thắng, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Long, ghi nhận: Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Vinh là tấm gương sáng cho bà con học tập, noi theo, góp phần giúp Tân Long hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới năm 2022.