Bàn Thị Hằng - gương sáng của đồng bào dân tộc Dao

Thu Hà 09:34, 08/03/2023

Với diện tích 3ha trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia trại, mô hình phát triển kinh tế của chị Bàn Thị Hằng, dân tộc Dao, xóm Chiểm, xã Quân Chu (Đại Từ), mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ tiên phong phát triển kinh tế, chị còn nhiệt tình tham gia các phong trào, công tác phụ nữ tại địa phương và giúp đỡ nhiều chị em cùng vươn lên.

Chị Bàn Thị Hằng (ngoài cùng bên phải) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với chị em phụ nữ người dân tộc Dao xã Quân Chu.
Chị Bàn Thị Hằng (ngoài cùng bên phải) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với chị em phụ nữ người dân tộc Dao xã Quân Chu.

Trước đây, kinh tế gia đình chị Bàn Thị Hằng chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và trồng chè nên gặp nhiều khó khăn. Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, chị xác định hướng đi với mô hình kinh tế kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Mất gần 2 năm học hỏi các mô hình kinh tế, tìm hiểu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất vườn đồi của gia đình, năm 2018, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng chuối tiêu hồng, bưởi, nhãn và ổi.

Chị Hằng chia sẻ: Bưởi, nhãn và ổi là những giống cây lâu năm, còn chuối tiêu hồng thì ra quả sớm. Tôi lựa chọn kết hợp vậy để lấy ngắn nuôi dài. Đối với chuối tiêu hồng, tôi áp dụng kỹ thuật tưới nước, bón phân hợp lý để cây cho thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán, khi đó bán được giá cao hơn.

Ngay trong năm đầu tiên, chị Hằng đã thu hoạch được khoảng 40 tấn chuối trên diện tích 1ha, sau khi trừ chi phí sản xuất còn lãi 80 triệu đồng. Với hướng đi mới, gia đình chị đã tiết kiệm để mua thêm đất trồng cây ăn quả.

Từ năm 2020, gia đình xây dựng 5 gian chuồng trại thường xuyên nuôi 50 con lợn thịt; chăn thả thêm 200 con gà, ngan, vịt mỗi lứa, vừa phục vụ gia đình vừa bán thương phẩm. Chuồng trại, gia đình chị luôn vệ sinh sạch sẽ, xây hệ thống biogas để xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình chị Hằng đã đầu tư 500 triệu đồng để trồng 2 khu vườn chuối tiêu hồng và hơn 3 nghìn gốc bưởi, nhãn, ổi trên diện tích 3ha. Diện tích cây ăn quả đều sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu an toàn, thân thiện với môi trường.

Với cách làm đó, đến nay, sản phẩm từ cây ăn quả, chăn nuôi của gia đình chị luôn tiêu thụ ổn định với đối tác, bạn hàng thân thiết. Trừ các chi phí, gia đình chị Hằng tích lũy được từ 300 đến 350 triệu đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 5 lao động nữ với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh tạo việc làm cho lao động nữ, chị còn cho vay vốn, cung ứng giống cây, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để giúp chị em phụ nữ cùng vươn lên phát triển kinh tế... Đồng thời tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng gia đình 5 không, 4 sạch; xây dựng mô hình “Đoạn đường do chi hội phụ nữ tự quản”; chăm sóc đường hoa…

Gia đình chị nhiều năm liền đạt “Gia đình văn hóa” và “Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp xã, huyện. Mọi hoạt động ở xóm, chị đều tham gia tích cực như: Hiến 500m2 đất làm đường giao thông nông thôn; đóng tiền, ủng hộ tu sửa, xây mới các công trình phúc lợi…

Chị Trần Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Quân Chu, cho hay: Các sản phẩm từ mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi của gia đình chị Bàn Thị Hằng đã được lựa chọn là sản phẩm tiêu biểu tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội chợ “Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi” do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Chúng tôi cũng thường xuyên đưa chị em trong và ngoài xã đến đây tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất.

Từ sự nỗ lực vượt khó, chị Bàn Thị Hằng trở thành tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế; trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của xã, huyện; được Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen tặng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” năm 2022.