“Nghề” làm mẹ

Tạp văn của Huệ Dinh 09:50, 21/05/2023

Lần đầu nghe tiếng khóc chào đời của con, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Vậy là sau 9 tháng 10 ngày, con đã đến với thế giới này đẹp đẽ, đáng yêu, đôi mắt long lanh, khuôn miệng chúm chím đỏ hồng, đôi tay khua khoắng linh hoạt… Các y, bác sĩ bảo hiếm đứa trẻ sơ sinh nào có khuôn mặt khôn lanh và “cute” như thế. Lúc ấy, cảm giác của người lần đầu được làm mẹ như tôi rất hưởng thụ và từ đây “nghề làm mẹ” của tôi bắt đầu.

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Để làm một người mẹ, tôi đã phải học rất nhiều thứ! Đầu tiên là học cách cho con bú mà không bị sặc. Cho đến giờ, khi cậu cả đã bước sang tuổi 21 nhưng trong tôi vẫn còn vẹn nguyên nỗi sợ khi con sặc sữa ho đến tím tái mặt mày. Cả khi con bị trớ, sữa ộc lên mũi, qua đường miệng, khóc không thành tiếng cũng khiến người mẹ trẻ như tôi thót tim, và lo lắng vô cùng, chỉ sợ con ngừng thở…

Khi con đến tuổi ăn dặm, tôi lại mày mò qua sách vở để tìm hiểu và chế biến cho con những bữa ăn giàu dinh dưỡng. Thường thì tôi rất sợ cầm phải con lươn. Vậy mà vì con, tôi có thể sơ chế, tẩm ướp thịt lươn rất “điêu luyện”. Tôi đã rất phục bản thân khi có thể chế biến một con lươn nhớt nhoẹt thành một bữa bột thơm nức… Mỗi ngày làm mẹ là lại có thêm kinh nghiệm để chăm sóc con tốt hơn, để con mỗi ngày thêm lớn, mũm mũm, tròn trịa, linh hoạt, đáng yêu…

Các cụ thường nói “nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”, và tôi đã “ngấm” dần nỗi vất vả của đấng sinh thành từ khi có con. “Khởi động” cho sự vất vả ấy chính là tình trạng “ngủ ngày, cày đêm” của con. Từ khi sinh ra cho đến khi ngoài 2 tháng tuổi, hầu như đêm nào con cũng khóc ngặt nghẽo, khóc chán rồi mới ngủ. Đêm nào tôi cũng thức cùng con từ 1 đến 3, 4 giờ sáng.

Tiếp đến là những “đợt” con ốm sốt vì viêm đường hô hấp khi trời chuyển mùa. Đứa trẻ chưa đầy tuổi thường ngày mũm mũm, đáng yêu và hoạt bát là thế, nhưng khi ốm quấy khóc, cả ngày không chịu ăn. Người mẹ như tôi thương con đến thắt ruột thắt gan. Lúc ấy tôi chỉ ước, giá như mình có thể ốm thay con…

Qua bao ngày vất vả, trái tim tôi loạn nhịp khi nghe cậu con trai chưa đầy 10 tháng tuổi gọi tiếng mẹ đầu tiên. Cảm giác vui sướng không thể diễn tả bằng lời. Không nghĩ, con lại biết nói sớm như thế. Càng hạnh phúc hơn khi qua tháng thứ 10 con chập chững bước đi. Những bước đi xiêu vẹo, nghiêng ngả lao vào vòng tay mẹ đầy tin tưởng, dựa dẫm…

Qua 2 năm “sài đẹn”, con bắt đầu ăn ngon, ngủ ngoan hơn. “Chớp mắt” con vào lớp 1. Khi ấy, dù là sản phụ mới sinh, tôi vẫn ngày đêm kèm con viết từng nét bút, dậy con làm từng phép tính. Sự vất vả của người mẹ cùng một lúc phải chăm sóc đứa bé mới sinh, dậy dỗ đứa lớn học bài đã khiến tôi không làm chủ được cảm xúc và “nặng” tay ra đòn khi con mải chơi, lơ đãng.

Vốn là một cậu bé thông minh, con lại vô cùng hiếu động. Mới học lớp 1, mẹ đã được cô giáo chủ nhiệm “triệu tập” đến trường vì con mải chạy nhảy làm bạn ngã “rách” cả mặt. Rồi cả những lần cậu làm đầu trò các vụ trốn học ra quán “nét” chơi game cũng bị cô giáo phản hồi. Khi chia tay để con chuyển cấp, cô giáo chủ nhiệm hồi lớp 5 dịu dàng nói với tôi: Chị đi dậy hơn 20 năm rồi mà chưa thấy học sinh nào nghịch như bé nhà em… Tôi không thể nói được lời nào vì thấy cô nói đúng quá.

Tinh nghịch là vậy nhưng con luôn lễ phép với thầy cô và học hành rất sáng dạ. Cấp 2 con đã vững vàng vượt qua kỳ thi hóc búa để được ghi tên vào mái trường danh tiếng Chu Văn An; cấp 3 con cũng đỗ vào trường THPT Chuyên với số điểm khá cao (top 5). Thời gian này, tôi không còn lo lắng cho việc học của con nhưng lại vô cùng khủng hoảng khi con bước vào tuổi dậy thì. Giữa hai mẹ con đã xảy ra vô vàn trận cãi vã, thậm chí là cả những trận đòn roi không giới hạn.

Mọi việc chỉ chấm dứt khi tôi chuyển từ cương sang nhu. Mỗi ngày gần gũi, lắng nghe và chia sẻ cùng con một chút, cuối cùng, “phòng tuyến” của tuổi dậy thì đã được “phá vỡ”. Con dần trưởng thành. Tốt nghiệp THPT vào đúng mùa COVID-19 năm 2020, con đành gác lại ước mơ đi du học 1 năm.

Năm 2021, bằng ý chí và nghị lực, con đã tìm kiếm được học bổng ở một ngôi trường danh giá của nước Úc. Tôi mừng vì con đã đạt được ước mơ của mình nhưng lại lo lắng vì gia đình không có nhiều điều kiện để có thể trang trải tiền sinh hoạt phí cho con ở đất nước xa xôi. Cậu trấn an: - Con chăm chỉ làm thêm là có tiền sinh hoạt phí thôi mẹ ạ!.

Nói là làm, con đã một mình vượt qua mọi khó khăn, thử thách cả trong học tập và cuộc sống ở xứ người. Chính sự tự lập và quyết đoán đã giúp con trưởng thành và biết yêu thương đấng sinh thành hơn.

Con lớn mẹ hay hoài niệm! Tôi vẫn tự trách bản thân vì đã từng dạy con bằng roi vọt. Mỗi khi tôi xin lỗi con, cậu cả lại vô cùng rộng lượng: - Lớn rồi, con đã hiểu mẹ có biết bao nhiêu áp lực trong cuộc sống. Vì thế con không bao giờ giận mẹ. Những thứ ấy, con sẽ cất mãi trong một ngăn ký ức, nhắc nhở con phải luôn cố gắng, nỗ lực để không làm mẹ buồn, để những áp lực không còn đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ.

Mỗi lần nghe cậu cả thủ thỉ như vậy, tôi không cầm được nước mắt. Đi qua bao gian lao, vất vả, cùng con lớn lên và trưởng thành, cho đến ngày hôm nay, tôi vui vì đã nuôi dậy con trở thành một người đàn ông thấu hiểu, biết sẻ chia và yêu thương. Nhiều khi tôi trộm nghĩ, cuộc đời mình thật may mắn khi đã “rèn sắt thành dao” thành công. Bởi vì để làm mẹ của một cậu con trai cá tính và khác biệt, bên cạnh sự bền bỉ, lúc nhu, lúc cương thì cũng cần lắm sự sẻ chia và yêu thương con vô điều kiện.

Qua những ngày tháng “cân não” với cậu cả, tôi đã không còn cảm thấy áp lực khi chăm sóc và nuôi dậy cậu hai, song hành cùng tôi, ngoài người bạn đời còn có cậu cả đã lớn khôn và hiểu chuyện.

Ngẫm lại mới thấy, sự hy sinh của tôi đã được bù đắp khi thành quả đạt được là sự khôn lớn và trưởng thành của các con. Tôi hiểu rằng chỉ có sự chuyên tâm, yêu thương, trở thành bờ vai vững chãi cho con dựa vào thì mới mong có trái ngọt…