Với mong muốn chia sẻ yêu thương, trợ giúp thường xuyên những hoàn cảnh tận cùng gian khó, bên cạnh những hoạt động thiện nguyện, nhiều năm qua, các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm đã triển khai mô hình “Nhận đỡ đầu”, “gắn địa chỉ nhân đạo”. Thông qua những chuyến thăm trực tiếp, tặng phần quà có ý nghĩa, mô hình này đã tiếp sức cho các hoàn cảnh, lan toả yêu thương trong cộng đồng.
Các hộ đặc biệt khó khăn ở xã Ôn Lương (Phú Lương) được các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài xã nhận đỡ đầu, gắn địa chỉ nhân đạo. |
4 năm nay, cứ vào dịp cuối tháng, Nhóm đỡ đầu các hoàn cảnh khó khăn (thuộc Câu lạc bộ Trái tim Nhật thiện) lại phân công thành viên đến thăm, trao quà tặng các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Hoa, Trưởng nhóm, cho biết: Quá trình làm thiện nguyện, chúng tôi gặp những gia cảnh vô cùng éo le, phần đa là không có sức khoẻ, chỗ dựa, nguồn thu nhập hay cơ hội để vươn lên thoát nghèo, bởi vậy, nhóm thành lập để chia sẻ phần nào khó khăn với các đối tượng đó. Trên cơ sở khảo sát thực tế, chúng tôi đã lập danh sách theo dõi và hàng tháng tổ chức đến tận nhà thăm, tặng quà động viên từng gia đình. Mức trợ giúp từ 500.000đ - 1 triệu đồng, gồm tiền mặt và quà, tuỳ từng hoàn cảnh. Số tiền này hoàn toàn do các thành viên trong Nhóm tự nguyện đóng góp. Với các hộ được nhận đỡ đầu, cùng với hoạt động thăm hỏi, tặng quà hàng tháng, Nhóm sẽ hỗ trợ đột xuất từ 3-5 triệu đồng nếu họ không may xảy ra biến cố, thiên tai, hoả hoạn. Hiện nay, Nhóm đang duy trì đỡ đầu 13 hoàn cảnh tại các địa phương: Huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ; TP. Thái Nguyên và TP. Phổ Yên.
Để hiểu thêm về hoạt động ý nghĩa này, chúng tôi cùng nhóm đỡ đầu các hoàn cảnh khó khăn đến thăm và tặng quà gia đình bà Trương Thị Lưu, xóm Đồng Hoan, xã Khôi Kỳ (Đại Từ). Bà Lưu là vợ liệt sĩ, năm nay gần 70 tuổi. Mang trong mình nhiều bệnh, song hàng chục năm qua, chưa ngày nào bà được ngơi nghỉ bởi một mình vất vả chăm sóc 3 người con nhiễm chất độc da cam. Là gia đình chính sách, các con đang hưởng chế độc trợ cấp của Nhà nước, song điều đó cũng chỉ an ủi được phần nào nỗi đau, cơ cực của những người mẹ như bà.
Nhóm đỡ đầu các hoàn cảnh khó khăn (Câu lạc bộ Trái tim Nhật thiện) hàng tháng đều đến thăm hỏi, tặng quà cho gia đình bà Trương Thị Lưu (Đại Từ). |
Thấu hiểu và san sẻ khó khăn đó, mỗi tháng Nhóm đến thăm và trao tặng bà các phần quà trị giá 1 triệu đồng. Bà Lưu xúc động nói: Ở hoàn cảnh như tôi, có người hỏi thăm đến là cũng hạnh phúc lắm rồi, vậy mà tháng nào các anh chị ấy cũng đến trò chuyện, tặng quà, tôi rất biết ơn.
Trong chương trình Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 tổ chức tại xã Ôn Lương (Phú Lương) mới đây, người dân nghèo, nhất là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rất vui mừng khi nhận được những suất quà và được các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu, gắn địa chỉ nhân đạo hàng tháng. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xã có nhiều hoàn cảnh được trợ giúp bằng hình thức như vậy và điều mừng hơn là trong số những người nhận đỡ đầu, gắn địa chỉ nhân đạo có những nhà hảo tâm ngay trên địa bàn như: Cửa hàng Điện máy Hạnh Oanh, cửa hàng tạp hoá Thiệu Liên, Điểm sinh hoạt Ngọc Linh xã Ôn Lương, trang trại chăn nuôi Hường Thắng, xã Phủ Lý…
Anh Nguyễn Quang Thiệu, chủ cửa hàng tạp hoá Thiệu Liên, xóm Khau Lai, chia sẻ: Tôi rất vui khi được góp phần nhỏ bé của mình (mỗi tháng 10kg gạo, thực hiện trong 1 năm) hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, xóm Bản Đông. Hai ông bà đều cao tuổi, bản thân ông Lợi bị cụt một chân nên không có khả năng lao động, cuộc sống hết sức khó khăn. Tôi nghĩ giúp đỡ cho người dân tại quê mình sẽ thiết thực, thuận tiện việc theo dõi, thăm hỏi.
Còn chị Phùng Thị Thương, giáo viên Trường Tiểu học Cúc Đường (Võ Nhai) và anh Vũ Xuân Hồng (Chủ cơ sở inox mạ mầu Hồng Phát, phường Lương Sơn, TP. Sông Công), từ 7 năm nay, việc trao quà tặng các hoàn cảnh nghèo, học sinh mồ côi đã trở thành việc không thể thiếu hàng tháng của anh, chị.
Là những người giàu lòng trắc ẩn, trách nhiệm với mọi việc, anh chị được nhiều tổ chức, mạnh thường quân tin tưởng gửi kinh phí hỗ trợ các mảnh đời khó khăn. Trên cơ sở đó, anh chị cùng những người bạn của mình đã khảo sát các đối tượng là học sinh, người dân đặc biệt khó khăn để lập danh sách trao quà hàng tháng.
Thay vì trao bằng tiền mặt, mỗi tháng các chị sẽ mua đồ dùng, thực phẩm thiết yếu như: Gạo, mỳ, nước mắm, xà phòng... (với giá trị 300 - 800 nghìn đồng) để mang đến tận nơi cho học sinh, người nghèo. Để các mạnh thường quân tin tưởng, sau mỗi lần trao, chị đều chụp hình và gửi bảng kê chi tiết, rõ ràng lên Facebook. Đến nay, các anh chị trực tiếp hỗ trợ và đứng ra làm cầu nối cho các mạnh thường quân đỡ đầu 42 đối tượng, trong đó có 35 học sinh và 7 người nghèo.
Tâm sự với chúng tôi, chị Thương bảo, với học sinh nghèo thì sự hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng lớn, vừa tiếp sức cho các em vươn lên, vừa gieo mầm thiện để góp phần hình thành nhân cách cho các em sau này. Còn với những người dân, đa phần họ ở thế tận cùng khốn khó, sự trợ giúp vừa để họ duy trì cuộc sống vừa giúp họ hiểu về giá trị tình thương giữa người với người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin