Mỗi một giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, từ lúc sinh ra đến tuổi vị thành niên đều không thể thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Thế nhưng, cuộc sống mưu sinh khiến nhiều bậc làm cha, làm mẹ ở khu vực nông thôn phải bươn trải xa nhà, để lại con cái cho ông bà hoặc họ hàng chăm nom. Việc trẻ thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ gây nên nhiều hệ lụy, từ tâm sinh lý đến học tập, quá trình hình thành nhân cách, lối sống đúng đắn và cả tương lai của các em.
Trẻ em vùng cao Võ Nhai vui đùa sau giờ học. |
Xuất phát từ nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” và thực tế địa phương chưa có nhiều cơ hội việc làm, có thu nhập tốt nên dù không muốn thì nhiều người dân ở miền núi, nông thôn vẫn phải gửi con cho ông bà, người thân chăm nom giúp để lo kinh tế.
Có những lao động đi làm ở thành phố khác, tỉnh khác, thậm chí đi xuất khẩu lao động với khoảng cách địa lý rất xa. Trong xu hướng chuyển dịch lao động ấy, tỷ lệ ông bà thay bố mẹ chăm sóc con cái đang diễn ra khá phổ biến, từ việc ăn uống, học hành đến chăm sóc sức khỏe.
Khi ông bà thay bố mẹ
Ngôi nhà rộng chưa đầy 50m2 của hai mẹ con em Linh Tuấn Anh, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lục Ba, ở xã Lục Ba (Đại Từ), lâu nay đóng im ỉm. Hỏi ra chúng tôi được biết, mẹ của em là chị Đỗ Thị T. đi làm cho một công ty đồ nhựa ở tỉnh Hưng Yên, có khi vài tháng mới về một lần nên gửi Tuấn Anh lại cho ông bà ngoại.
Tuổi còn nhỏ nhưng Tuấn Anh đã thông thạo nhiều việc trong nhà, từ hái rau, nấu cơm đến chăn gà… để phụ giúp ông bà. Tuy vậy, đôi mắt em luôn đượm buồn, trực khóc khi chúng tôi có ý hỏi về bố mẹ.
Dù còn nhỏ nhưng em Linh Tuấn Anh (ở xã Lục Ba, Đại Từ) đã biết làm nhiều việc để phụ giúp ông bà. |
Bà Nguyễn Thị Quý, bà ngoại của Linh Tuấn Anh, kể: Bố mẹ cháu đi làm ăn xa và không may cả hai đều bị nhiễm bệnh. Bố đã mất khi Tuấn Anh còn nhỏ, từ đó 2 mẹ con chuyển về ở gần chúng tôi để tiện đỡ đần. Chúng tôi đều đã già yếu, không có thu nhập ổn định nên mẹ cháu đành để con lại để đi làm công nhân, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Vì mẹ không thường xuyên ở nhà, nên mọi việc học tập, sinh hoạt hàng ngày đều được Tuấn Anh trao đổi với mẹ qua chiếc điện thoại của bà. Gợi chuyện, mắt em rơm rớm: Cứ 8 giờ tối là mẹ lại gọi cho con, mẹ hỏi tình hình đi học, hỏi con có phụ giúp việc nhà cho ông bà hay không? Con rất nhớ mẹ, con chỉ mong mỗi lần mẹ về sẽ ở lại thật lâu…
Hai anh em Hoàng Quốc Anh và Hoàng Huyền Trang, ở xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương), thì ở cùng với ông bà nội khi mới chập chững biết đi do bố mẹ đều đi làm xa nhà. Cuối tháng 2-2022, hai người ly hôn sau khi mẹ các em đi xuất khẩu lao động từ Trung Quốc trở về. Từ khi đường ai nấy đi, mọi tin tức về bố mẹ các em gần như không có; việc nuôi dạy, chăm sóc con trẻ phó mặc cho ông bà đã hơn 70 tuổi.
Ông Hoàng Trọng Tường, ông nội của Quốc Anh và Huyền Trang, ngậm ngùi nói: Mọi sinh hoạt hằng ngày và tiền học cho các cháu đều do chúng tôi đảm nhiệm, chứ bố mẹ các cháu đứa đã lâu rồi không liên lạc được, đứa thì khó khăn chẳng giúp được gì. Cả nhà 4 người dựa vào nhau, rau cháo qua ngày, những mong hai đứa mau khôn lớn và tự lo cho cuộc sống của mình.
Sau khi bố mẹ ly hôn, rồi làm ăn xa mỗi người một ngả, hai em Hoàng Quốc Anh, Hoàng Huyền Trang (ở xã Vô Tranh, Phú Lương) phải sống dựa vào ông bà nội. |
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, các cháu đều có ý thức tự lập và ham học. Sau giờ học trên lớp là hai anh em lại phụ giúp thu hái chè, vườn tược và dọn dẹp việc nhà. Khi chúng tôi hỏi về mong ước của các em hiện giờ, anh cả Hoàng Quốc Anh nói bẽn lẽn: Cháu muốn có bố mẹ trở về!
Nhiều trẻ em nơi thôn quê còn chịu những thiệt thòi do cuộc sống gia đình không hạnh phúc, bố mẹ chia tay sau những năm tháng họ đi làm ăn xa. Những đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ vẫn từng ngày lớn lên. Nhưng dường như tâm hồn của các em đã hình thành một khoảng trống vắng khó có thể lấp đầy…
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Thái Nguyên có 325.972 trẻ em. Trong đó, 3.984 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (91% trong số đó đã được giúp đỡ); trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 26.313; trẻ em sống trong gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo là 21.416. |
Nỗi lòng người trong cuộc
Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp gỡ không ít trẻ em có hoàn cảnh rất đáng thương vì thiếu vòng tay chăm sóc của cha mẹ. Trong đó có hoàn cảnh của em Nguyễn Thùy Trang (5 tuổi), ở xóm Thành Lập, xã Lục Ba (Đại Từ). Mẹ em bỏ đi làm xa khi em mới 8 tháng tuổi, không thường xuyên liên lạc, đến năm em lên 2 tuổi thì bố mất vì tai nạn.
Hiện, Trang đang sinh sống cùng ông nội 92 tuổi, bà nội 88 tuổi (bị liệt nửa người), mọi sinh hoạt hàng ngày đều rất khó khăn. Để tiện chăm sóc cháu và đỡ đần cha mẹ già, bác ruột của em là Nguyễn Đình Hoàng đành phải bỏ lại công việc, gia đình ở xã Hà Thượng để về Lục Ba ở.
Ông Nguyễn Đình Hoàng chia sẻ: Cháu còn quá nhỏ nên việc chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ đến đưa đón đi học hàng ngày khá vất vả. Tôi lại là đàn ông, có những việc không thể khéo léo như phụ nữ. Tuy vậy, bản thân vẫn cố gắng hết sức để chăm sóc, bù đắp cho cháu bớt thiệt thòi, những mong cháu khôn lớn nên người.
Anh Dương Văn Tốt và chị Nguyễn Thị Loan, ở thị trấn Đu (Phú Lương), làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) đã được hơn 5 năm. Phòng trọ chật chội, học phí trường tư thục cao nên hai vợ chồng phải gửi con gái lớn về ở cùng bà ngoại ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ); con gái nhỏ thì dịp hè gửi về quê nội ở Phú Lương. Gia đình không mấy khi đầy đủ thành viên để cùng ăn bữa cơm, cứ mỗi dịp được nghỉ làm là vợ chồng lại đi xe máy từ Hà Nội về Thái Nguyên rồi sang Phú Thọ đề thăm con. Chị Loan ngậm ngùi nói: Vì cuộc sống, cực chẳng đã mới phải như vậy. Nhìn con cái chịu thiệt thòi tình cảm, tôi rất áy náy.
Chị Nguyễn Thị Yên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lục Ba (Đại Từ): Hoàn cảnh của nhiều em rất đáng thương. Dù nắm bắt được thực tế ấy, song nguồn lực của địa phương có hạn nên việc giúp đỡ các em còn nhiều hạn chế. Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm và mong sao có các nguồn tài trợ để giúp các em. |
Ở một số gia đình có sự thay đổi vai trò giới khi người đàn ông ở nhà nội trợ để người phụ nữ chuyên tâm đi lao động xa nhà. Trường hợp gia đình anh Lương Văn Học ở xã Phượng Tiến (Định Hóa) là một ví dụ. Anh Học tâm sự: Do vợ đi làm công nhân ở xa nên nhiều năm nay những công việc như dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, rửa bát, chăm con, đưa con đi học… đều do tôi đảm nhận. Bản thân cũng phải hạn chế nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu bạn bè hay đam mê cá nhân vì không có đủ thời gian. Nhiều lúc tôi cũng thấy vất vả và cảm thấy mình chưa thể chu toàn được như vợ. Song dù sao cũng hơn là cả hai vợ chồng đều đi làm xa, con cái sẽ rất thiệt thòi…
Chị Đặng Thị Thanh Nhàn, cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động và trẻ em xã Vô Tranh (Phú Lương): Tại địa phương, những trẻ em có bố mẹ đi làm ăn xa chưa được quan tâm nhiều. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối các nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho các cháu cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là những cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. |
Khi thu thập thông tin thực hiện bài viết này, nhóm phóng viên Báo Thái Nguyên đã liên hệ với một số cơ quan, đoàn thể của tỉnh như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội LHPN tỉnh... nhưng đều nhận được phản hồi chung rằng khó trả lời do không thuộc lĩnh vực phụ trách, không có báo cáo hay không có thống kê và đánh giá cụ thể số lượng trẻ em trên địa bàn có bố mẹ đi làm ăn xa... Điều này cho thấy sự quan tâm của các cấp, ngành với nhóm đối tượng này còn hạn chế.
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin