Với các hoạt động cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) đã triển khai hiệu quả phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Qua đó giúp chị em hội viên tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống; đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong các phong trào ở địa phương.
Mô hình sản xuất chè an toàn tại xóm Hồng Thái 2 được Hội LHPN xã Tân Cương triển khai đạt hiệu quả cao. |
Được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế do các cấp Hội LHPN đứng ra tín chấp từ năm 2020, chị Trần Thị Thúy, xóm Đội Cấn, đã xây dựng được vườn chè có diện tích 720m2. Mỗi năm, gia đình chị sản xuất được 2,5 tạ chè búp khô. Sau khi trừ các chi phí, gia đình chị Thúy để ra được 50 triệu đồng/năm.
Chị Thúy chia sẻ: Do sức khỏe yếu, đơn thân nuôi con nên tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, gia đình nhiều năm là hộ nghèo. Năm 2020, bên cạnh được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, cây giống, tôi còn được Hội LHPN các cấp hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật và tham gia Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP. Đến nay, mẹ con tôi có thu nhập ổn định từ cây chè, trả hết số nợ ban đầu và đã thoát nghèo năm 2022.
Sau khi gia đình chị Thúy thoát nghèo, 4 hộ hội viên nghèo cuối cùng ở Hội LHPN xã Tân Cương cũng đang được các cấp Hội hỗ trợ để vươn lên. Ví dụ như trong năm nay, hộ gia đình hội viên Nguyễn Thị Tuyết, xóm Soi Vàng, có hoàn cảnh khó khăn do sức khỏe yếu, nuôi con một mình, chưa có nhà ở kiên cố. Hiện nay, Hội LHPN xã Tân Cương đã hoàn thành các thủ tục cho chị được vay 50 triệu từ các nguồn vốn ưu đãi, kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ tiền, ngày công để góp phần giúp mẹ con chị Tuyết hoàn thành ngôi nhà kiên cố vào cuối năm 2023.
Chị Hà Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Cương, thông tin: Hội LHPN xã hiện có 12 chi hội, với 1.225 hội viên. Ở Tân Cương, cây chè giữ một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, giúp cho đời sống của hội viên phụ nữ và người dân ngày càng ổn định. Với đặc thù đó, Hội LHPN xã Tân Cương đã tập trung vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và tăng thu nhập từ cây chè.
Đồng thời, Hội chú trọng khảo sát nhu cầu của phụ nữ và khai thác các nguồn lực để vận động hội viên thành lập, tham gia các loại hình kinh tế liên doanh, liên kết, như: hợp tác xã; tổ hợp tác; tổ liên kết sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP; giúp nhau tiêu thụ sản phẩm chè… Hội cũng có nhiều hình thức vận động hội viên có điều kiện kinh tế khá giúp đỡ phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về kinh nghiệm, cây chè giống để cùng phát triển. Qua đó, Hội đã thành lập được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Điển hình như mô hình Câu lạc bộ Phụ nữ Công giáo giúp nhau làm kinh tế giỏi. Được thành lập từ năm 2014, 35 chị em phụ nữ trong Câu lạc bộ đã đoàn kết, chia sẻ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè, hỗ trợ nhau về ngày công lao động, vốn vay, tiêu thụ sản phẩm...
Sau 9 năm hoạt động, đến nay, Câu lạc bộ không còn hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 95%. Nhiều hội viên phụ nữ sinh hoạt trong Câu lạc bộ đã khẳng định được thương hiệu sản phẩm chè, có thu nhập trung bình đạt 200-400 triệu đồng/năm như các cơ sở: Minh Thu, Ngoãn Hương, Hằng Hồng, Thanh Mưu, Tiến Yên…
Bên cạnh đó, Hội LHPN xã còn vận động hội viên tham gia các loại hình tiết kiệm, cho vay không tính lãi, giúp phụ nữ thiếu vốn sản xuất - kinh doanh phát triển kinh tế gia đình. Năm 2022, toàn xã có 32 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay 153 triệu không tính lãi từ quỹ tiết kiệm tại các chi, tổ; 193 lượt hội viên được Hội tín chấp vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng, với tổng nguồn vốn gần 5,5 tỷ đồng để phát triển kinh tế…
Chị Hà Thị Hường cho biết thêm: Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục đẩy mạnh phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ hội viên về vốn, kiến thức và giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả giúp phụ nữ có việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế để giúp các chị vươn lên ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần cùng với địa phương xây dựng xã Tân Cương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin