Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 7.000 tín đồ, người theo đạo Tin lành. Phần lớn các tín đồ đều có ý thức chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước và tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng theo đúng quy định. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong đồng bào luôn ổn định, thắt chặt được tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo với nhau.
Mục sư Dương Văn Sình, xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), phối hợp với lãnh đạo xã tuyên truyền để các tín đồ luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, sống tốt đời, đẹp đạo. |
Trở thành tín đồ của đạo Tin lành từ năm 2003, hiện nay, ông Dương Văn Sình, xóm người Mông Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), đã là một mục sư. Không chỉ truyền đạo cho người dân, ông còn vận động bà con luôn thực hiện tốt các quy định của chính quyền địa phương. Ông cho hay: Ngoài thời gian sinh hoạt tôn giáo, tôi tập trung phát triển kinh tế gia đình và luôn dậy bảo con, cháu phải sống tốt đời đẹp đạo, chăm chỉ làm ăn, không tham gia các tệ nạn xã hội. Hằng năm, vào dịp Giáng sinh, tôi và các tín đồ ở đây đều tổ chức hoạt động tập thể như văn nghệ, liên hoan nhưng trên tinh thần nhanh gọn, tiết kiệm và đoàn kết. Các hoạt động, chúng tôi đều mời đại diện chính quyền địa phương tham gia chung vui, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, tại Quang Sơn đang có hơn 90 tín đồ theo đạo Tin lành, hầu hết đều là người dân tộc Mông của xóm Lân Đăm và Trung Sơn. Dưới sự “dẫn dắt” của mục sư Dương Văn Sình, bà con nơi đây đang tích cực vươn lên phát triển kinh tế gia đình để có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững.
Tương tự, tại một số địa bàn vùng cao trong tỉnh, tín đồ theo đạo Tin lành hầu hết đều là người dân tộc Mông, tập trung nhiều ở các xã Phương Giao, Tràng Xá, Cúc Đường, Thần Sa… của huyện Võ Nhai. Theo chia sẻ của các tín đồ, việc theo đạo Tin lành đã giúp bà con “sáng” ra được nhiều điều. Anh Dương Văn Dùng, xóm Trung Sơn, nói: Những người theo đạo Tin lành như chúng tôi luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống, có tinh thần đoàn kết và thực hiện nếp sống văn hóa mới.
Đúng như chia sẻ của anh Dùng, từ ngày theo đạo Tin lành, một bộ phận người Mông ở Thái Nguyên đã loại bỏ được nhiều hủ tục ra khỏi cuộc sống. Tại các xã như Quang Sơn (Đồng Hỷ); Thần Sa, Cúc Đường… (Võ Nhai) – nơi có đông tín đồ theo đạo Tin lành đã cơ bản không còn tình trạng tảo hôn. Bà con luôn nỗ lực phát triển kinh tế, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đặc biệt, việc cưới, việc tang cũng đã có những đổi thay tích cực.
Trước đây, một đám cưới, bà con người Mông tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài tận 4 ngày. Ông Sình chia sẻ: Đời sống đã khó khăn, lại còn ăn uống tốn kèm thì cái nghèo sẽ theo mãi. Vì thế, các tín đồ theo đạo Tin lành chỉ được phép tổ chức đám cưới trong 1 ngày, không lãng phí và nhất là không được uống rượu...
Việc tổ chức đám ma cũng được đồng bào theo đạo Tin lành giản tiện đi rất nhiều. Trước đây, người quá cố để trong nhà 5, 7 ngày, chờ thầy cúng xem ngày, làm lễ rồi mới đưa đi an táng. Nhưng nay, chỉ được phép tổ chức trong 24 giờ…
Ông Hoàng Ngọc Hưng, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh, cho hay: Nhìn chung đồng bào theo đạo tin lành trên địa bàn tỉnh đều tập trung phát triển kinh tế gia đình, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, chấp hành nghiêm các quy định của chính quyền địa phương. Các cấp, ngành chức năng của tỉnh, thời gian qua, cũng đã tạo điều kiện thiện lợi trong phối hợp thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn, trong đó có đạo Tin lành.
Với phương châm “sống phúc âm”, những tín đồ của đạo Tin lành ở Thái Nguyên một lòng kính Chúa, phụng sự dân tộc. Mong rằng, trong thời gian tới, các chức sắc, chực việc, tín đồ của đạo Tin lành sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hăng say lao động, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; góp phần xây dựng quê hương…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin