"Trái ngọt" từ đào tạo nghề theo thị trường lao động

Chí Cường 08:29, 02/01/2024

Để xây dựng thương hiệu trong đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; đào tạo đáp ứng thị trường lao động, bảo đảm học sinh, sinh viên (HSSV) sau tốt nghiệp có việc làm ổn định, không phải đào tạo lại sau khi được doanh nghiệp nhận vào làm việc.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) trong giờ thực hành nghề trên thiết bị máy.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) trong giờ thực hành nghề trên thiết bị máy.

Khắc phục tình trạng đào tạo tràn lan, tránh lãng phí không cần thiết cho gia đình và xã hội, hệ thống cơ sở GDNN được tỉnh chỉ đạo sắp xếp, quy hoạch lại. Qua rà soát, kiểm tra, hầu hết các cơ sở GDNN kém hiệu quả bị đình chỉ hoạt động, hoặc cho sát nhập với cơ sở khác. Chính vì thế, số lượng cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Từ 53 cơ sở năm 2012 giảm còn 35 cơ sở năm 2022.

Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu xã hội, trong năm 2023 tỉnh có thêm 2 cơ sở GDNN thành lập mới, nâng tổng số cơ sở GDNN lên 37 cơ sở hiện nay, gồm: 12 trường cao đẳng; 9 trường trung cấp; 12 trung tâm GDNN và 4 cơ sở khác có hoạt động GDNN, với tổng quy mô tuyển sinh hơn 40.000 học sinh, sinh viên/năm.

Kết quả tuyển sinh năm 2023, các cơ sở GDNN đã chiêu sinh, đào tạo hơn 40.500 HSSV, đạt hơn 101% chỉ tiêu kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng hơn 3.000 sinh viên; trình độ trung cấp hơn 10.300 học sinh; trình độ sơ cấp hơn 10.600 học sinh; đào tạo thường xuyên hơn 16.500 học sinh. 100% HSSV tốt nghiệp đúng kỳ, hơn 80% HSSV có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp.

Điều đó thể hiện chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đang từng bước được nâng cao, từ đó đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Một thuận lợi trong đào tạo nghề là từ năm 2023, tỉnh đã ban hành một số chương trình kế hoạch phát triển GDNN phù hợp với xu thế hội nhập thế giới và nhu cầu thị trường lao động, như: Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt Danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ sở GDNN tổ chức các hội thi, hội thảo, hội nghị về đào tạo nghề nghiệp; hội thi thiết bị đào tạo tự làm; hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Ví dụ như Hội thi kỹ năng nghề năm 2023 có 80 thí sinh của 9 trường cao đẳng, trung cấp tham dự. Ban Tổ chức đã trao tổng số 40 giải cho thí sinh có thành tích xuất sắc.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động hướng dẫn các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Hầu hết cơ sở GDNN cũng đã xây dựng được chương trình đào tạo đa dạng, theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, hình thành năng lực tư duy cho người học; tăng cường xây dựng các hoạt động trải nghiệm tại doanh nghiệp; giảm giờ học lý thuyết, tăng cường giờ học thực hành, từ đó HSSV được nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và thêm cơ hội rèn luyện tác phong làm việc công nghiệp.

Chất lượng đào tạo được cải thiện đã nâng cao năng lực, tư duy, tác phong làm việc của người lao động. Giúp người lao động nhanh chóng tiếp cận, đáp ứng thị trường lao động thời đại kinh tế số, kinh tế tri thức trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng dịch chuyển nhân lực trong thị trường lao động quốc tế...