Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội

Phạm Ngọc Chuẩn 07:36, 17/11/2023

Một trong những giải pháp quan trọng để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tồn tại, phát triển là tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Để đạt được mục tiêu này, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tăng cường liên kết với doanh nghiệp, tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho đơn vị.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) thực hành nghề.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) thực hành nghề.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 37 cơ sở GDNN, bao gồm 12 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN và 4 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN.

Từ năm 2021 đến tháng 9-2023, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho gần 131.000 người. Trong tuyển sinh, đào tạo nghề, hầu hết các cơ sở đều chủ động xây dựng phương án. Một số khác phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình theo từng mô đun, môn học, bài giảng chi tiết, mô hình học cụ. Từ đó giúp học viên tiếp thu kiến thức hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và phù hợp với từng giai đoạn. Các doanh nghiệp hợp tác cũng có cơ chế ưu tiên tuyển dụng lao động sau đào tạo. 

Nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở GDNN phát triển đúng hướng, phù hợp với yêu cầu của tỉnh, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN đẩy mạnh việc gắn kết GDNN với doanh nghiệp.

Các cơ sở GDNN và doanh nghiệp cũng đã chủ động tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực tế của học viên sau đào tạo, để điều chỉnh xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Theo đó, những ngành nghề không còn phù hợp được loại bỏ, ưu tiên phát triển các ngành nghề xã hội cần.

Điển hình như nghề Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức và nghề Điện công nghiệp của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo GDNN.

Đặc biệt, Trường Cao đẳng Thái Nguyên đang thực hiện hợp tác quốc tế trong đào tạo cho người nước ngoài, chủ yếu là các nghề: Công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông; Công nghệ thông tin; Quản trị kinh doanh; Tài chính ngân hàng; Dịch vụ pháp lý… Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật đang hợp tác đào tạo liên thông và trao đổi sinh viên với 3 trường đại học của Hàn Quốc...

Sự hợp tác này mang lại "lợi ích kép" cho cơ sở GDNN và doanh nghiệp. Với cơ sở GDNN, học viên được tiếp cận dây chuyền công nghệ, máy móc tiên tiến, hiện đại. Còn doanh nghiệp thì giải được “cơn khát” nguồn nhân lực.

Hơn thế, những học sinh, sinh viên có tay nghề vững có thể đảm nhận được vị trí việc làm ngay sau tốt nghiệp mà doanh nghiệp không phải tổ chức đào tạo lại.

Công nhân Công ty CP Cơ khí Gang thép Thái Nguyên trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty CP Cơ khí Gang thép Thái Nguyên trong giờ làm việc.

Hiện nay, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp tác đào tạo nghề với hàng trăm doanh nghiệp trong, ngoài nước.

Các doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho học viên được tiếp cận trực tiếp với dây chuyền sản xuất hiện đại, tổ chức cho học viên tham gia sản xuất theo ca, nhóm. Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ học viên về nơi ăn, ở, đi lại trong thời gian thực tập và tiền công theo sản phẩm...

Nhờ liên kết hợp tác đào tạo, doanh nghiệp và cơ sở GDNN đã từng bước xây dựng được đội ngũ lao động chất lượng cao. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực lao động của tỉnh. Tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề tăng nhanh, từ 58% (đầu năm 2016) lên 70% (đầu năm 2021) và 72% (năm 2022).

Tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35,6% (vượt 5,1% kế hoạch được giao và vượt 3,6% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ 2021-2025).