Nhiều giải pháp hỗ trợ xuất khẩu lao động

Chí Cường 09:00, 14/11/2023

Thời gian qua, hiệu quả từ công tác đưa người lao động Việt Nam (NLĐ) đi làm việc tại nước ngoài đã làm thay đổi nhận thức của các cấp, ngành và người dân. Trong thời gian làm việc tại nước ngoài, NLĐ thường có thu nhập cao; được tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại; phương pháp quản lý tiên tiến, cách làm việc khoa học...

Nhân viên Công ty CP Hợp tác quốc tế Hashi Việt Nam tư vấn việc làm, định hướng ra nước ngoài làm việc cho người lao động.
Nhân viên Công ty CP Hợp tác quốc tế Hashi Việt Nam tư vấn việc làm, định hướng ra nước ngoài làm việc cho người lao động.

Tính đến đầu tháng 11-2023, Thái Nguyên có 2.323 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó, 1.126 người làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), hơn 1.000 người làm việc tại Nhật Bản, 106 người làm việc tại Hàn Quốc, còn lại là các thị trường khác. Bình quân NLĐ đạt thu nhập 25 triệu đồng/người/tháng và hầu hết có tiền gửi về cho gia đình sau 1 tháng xuất cảnh.

Để có được kết quả này, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu NLĐ ra nước ngoài làm việc. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp nắm bắt tình hình NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và lao động đã về nước để quản lý. Đồng thời tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ NLĐ có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài. Trong đó quan tâm lồng ghép tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ đã hết hạn hợp đồng về nước có nhu cầu quay trở lại các quốc gia đã từng làm việc, hoặc lao động có nhu cầu tìm việc làm tại doanh nghiệp trong nước.

Nhằm bảo đảm an toàn cho NLĐ, toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Sở thẩm định hồ sơ, bảo đảm các điều kiện theo quy định mới được giới thiệu, cho phép về địa phương tuyển chọn lao động.

Theo đó, có hơn 230 lượt doanh nghiệp đủ điều kiện pháp lý được cấp giấy giới thiệu về các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyển chọn lao động trong 10 năm trở lại đây. Qua kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, hầu hết doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết với NLĐ. Những rủi ro vướng mắc của NLĐ được doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng, không để xảy ra khiếu kiện, khiếu nại.

Một thuận lợi đối với NLĐ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc là được tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tổ chức dạy nghề; vay vốn ngân hàng, làm thủ tục pháp lý cần thiết. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Thái Nguyên đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho các gia đình có thành viên đến độ tuổi lao động chưa tìm được việc làm ổn định, có nhu cầu ra nước ngoài làm việc; hướng dẫn cách làm thủ tục, hồ sơ vay vốn.

Đặc biệt, lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian thực tế học và chi phí đi lại.

Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ động kết nối với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và những doanh nghiệp có uy tín để tìm kiếm, lựa chọn các chương trình tốt, phù hợp để tư vấn, giới thiệu cho NLĐ tham gia. Cùng với đó là kịp thời định hướng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài...