Ngành Thông tin và Truyền thông: Khẳng định vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số

Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông 16:43, 31/12/2023

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS), cải cách hành chính, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác thông tin truyền thông là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên tích cực triển khai trong năm 2023.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng trao giấy chứng nhận đơn vị xếp thứ hai về Chỉ số DDCI cấp sở, ban, ngành năm 2022 cho Giám đốc Sở TT&TT Đỗ Xuân Hòa.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng trao giấy chứng nhận đơn vị xếp thứ hai về Chỉ số DDCI cấp sở, ban, ngành năm 2022 cho Giám đốc Sở TT&TT Đỗ Xuân Hòa.

Nâng cao chất lượng hạ tầng số

Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin Thái Nguyên luôn được chú trọng đầu tư phát triển. Đến nay có khoảng 1.800 điểm thu phát sóng di động (trạm BTS); tỷ lệ xóm, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,5%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97%. Tổng số thuê bao điện thoại di động là 1.766.865 thuê bao, đạt tỷ lệ 133 thuê bao/100 dân, trong đó có hơn 1,1 triệu thuê bao sử dụng 3G/4G.

Nền tảng địa chỉ số quốc gia được rà soát, cập nhật với 361.315 địa chỉ, trong đó 279.102 địa chỉ được cập nhật từ cơ sở dữ liệu của hệ thống, 82.213 địa chỉ cấp mới; đạt tỷ lệ 99,7% chủ sở hữu đối với đối tượng nhà ở cá nhân, hộ gia đình được thông báo địa chỉ số.

Mạng lưới thông tin cơ sở được đầu tư hiện đại, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Sở Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh, tích hợp với hệ thống thông tin nguồn Trung ương và triển khai lắp đặt 45 đài truyền thanh cấp xã, nâng số lượng đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT - viễn thông trên địa bàn toàn tỉnh lên 62.

Tích cực xử lý sim rác

Từ tháng 3-2023, các nhà mạng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ các thuê bao rác, thuê bao không chính chủ, không được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đến ngày 28/5/2023, tổng số thuê bao đã chuẩn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 23.442/27.605, trong đó thuê bao Viettel đạt 11.611/14.098; Vianaphone đạt 7.324/8.118 thuê bao; Mobiphone đạt 4.507/5.389 thuê bao.

Sở Thông tin và Truyền thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin; sim đã kích hoạt sẵn; cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác.

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc xử lý tình trạng sim rác sẽ làm sạch thông tin thuê bao, hạn chế việc sử dụng sim rác để thực hiện các tin nhắn rác, cuộc gọi rác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sử dụng dịch vụ.

Đưa nội dung thông tin lên các nền tảng số

Các cơ quan báo chí của tỉnh đã chủ động, tích cực CĐS báo chí nhằm mục tiêu xây dựng cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí trong tỉnh còn tăng cường công tác truyền thông chính sách và đăng tải trên các nền tảng số, góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

4 nền tảng mạng xã hội mà các cơ quan báo chí của tỉnh xây dựng kênh truyền thông và thường xuyên đăng tải là Facebook, Zalo, TikTok, Youtube, trong đó số lượng người theo dõi/đăng ký kênh TikTok của Báo Thái Nguyên lên tới trên 200 nghìn người; Fanpage “TNTV- Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên” có 256 nghìn người theo dõi, thu hút gần 6 triệu người tiếp cận/tháng… 

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin - truyền thông, tháng 10-2023.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin - truyền thông, tháng 10-2023.

Chuyển đổi số mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, công tác CĐS của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên cả 03 lĩnh vực: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Năm 2021 và năm 2022, tỉnh Thái Nguyên liên tiếp đứng vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số DTI.

Xác định CĐS là cuộc cách mạng của toàn dân. CĐS chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

2.255 tổ công nghệ số cộng đồng luôn hỗ trợ người dân thích nghi với thói quen ứng dụng công nghệ số vào giải quyết vấn đề của cuộc sống như thanh toán không dùng tiền mặt, tích hợp thông tin cá nhân và các loại giấy tờ tùy thân vào ứng dụng VNeID, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…

Triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Chính phủ về thúc đẩy CĐS trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, tính đến ngày 14/10/2023, 25.629/26.869 hộ nghèo, hộ cận nghèo (đạt 95,38%) được tạo tài khoản; 15.102/18.927 người có công (đạt 79,79%), 32.961/41.269 đối tượng trợ giúp xã hội (đạt 79,87%) được tạo tài khoản.

Kinh tế số cũng là một điểm nhấn trong CĐS. Hiện toàn tỉnh có 324 doanh nghiệp công nghệ số, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023 ước đạt khoảng 815 nghìn tỷ đồng (hơn 33,1 tỷ USD). Tích cực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, 107 chợ thực hiện mô hình thanh toán không dùng tiền mặt; sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh hiện đang quảng bá, giới thiệu 2.700 sản phẩm; 100% cơ sở giáo dục, cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Có thể nói, đối với người Thái Nguyên, CĐS không còn xa lạ, nó đã len lỏi đến khắp các ngõ ngách của đời sống xã hội, làm thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền, thay đổi cách sống, cách nghĩ của mỗi người dân. Sự chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ số vào đời sống, sản xuất, kinh doanh đã tạo ra những giá trị mới tốt đẹp hơn.