Tại Thái Nguyên hiện có 30 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) có giấy phép hoạt động còn hiệu lực và bổ sung mới địa bàn hoạt động; tổng số 43 chương trình, dự án tập trung vào các lĩnh vực như phát triển giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, phát triển nông thôn, chống biến đối khí hậu. Năm 2023, giá trị giải ngân của các tổ chức PCPNN đạt xấp xỉ 1,49 triệu USD, tăng 59,6% so với năm trước.
Dự án Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả của tổ chức BasicNeeds, đến từ nước Anh, đã mang lại hiệu quả thiết thực tại Thái Nguyên. |
Một trong những tổ chức PCPNN hoạt động tại Thái Nguyên để lại nhiều dấu ấn là tổ chức KFHI của Hàn Quốc. Với thời gian hoạt động dài (khoảng 14 năm), tổ chức này triển khai được nhiều dự án mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiện nay, KFHI đang thực hiện 6 dự án tại các huyện Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ, với nhiều nội dung như: Hỗ trợ trẻ em, chuyển đổi cộng đồng tập trung vào trẻ em (CFCT) giai đoạn 2020-2029… Theo đó, các dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, công trình công cộng, bò giống sinh sản cho người dân. Riêng năm 2023, giá trị giải ngân của KFHI dành cho Thái Nguyên đạt gần 350 nghìn USD.
Hay như tổ chức Global Civic Sharing (GCS) - Hàn Quốc đã đầu tư trên 285 nghìn USD thực hiện Dự án Ngôi làng hy vọng giai đoạn 2 tại xã Phú Đô (Phú Lương), nhằm hỗ trợ người dân nghèo được vay vốn mua trâu, bò sinh sản… Anh Hoàng Văn Nhính, một người dân xã Phú Đô, nói: Dự án đã giúp các hộ nghèo trong xã được vay vốn lãi suất thấp để mua trâu, bò sinh sản. Từ đó đạo động lực để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ngoài những chương trình, dự án do các tổ chức PCPNN đến từ Hàn Quốc hỗ trợ, Thái Nguyên còn tiếp nhận nhiều dự án đến từ các nước như Anh, Đức, Mỹ, Hà Lan, Thái Lan… Đơn cử như Dự án Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả của tổ chức BasicNeeds, đến từ nước Anh.
Thông qua Dự án Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả của tổ chức BasicNeeds, đến từ nước Anh, nhiều người dân trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã tìm lại được "hạt giống" niềm vui. |
Thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, năm 2023, Dự án hỗ trợ Thái Nguyên trên 26 nghìn USD. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Dự án, chia sẻ: Được triển khai từ năm 2020, đến nay, Dự án đã mở rộng tại 15 xã, phường trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Thông qua triển khai Dự án, hàng trăm bệnh nhân được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý nên sức khỏe tâm thần có chuyển biến rất tích cực. Nhiều người trầm cảm đã không còn ngại khi tìm đến các bác sĩ để được tư vấn điều trị. Cán bộ y tế cũng tích cực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thực tế cho thấy, các chương trình, dự án do tổ chức PCPNN triển khai tại Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhiều chương trình, dự án ý nghĩa đã hướng tới các đối tượng yếu thế trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn… Một số dự án tình nguyện dạy tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc của các tình nguyện viên nước ngoài cũng góp phần hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu hội nhập trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN, thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác, huy động tối đa nguồn viện trợ với phương châm tập trung vào lĩnh vực, nội dung ưu tiên phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong tỉnh căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lĩnh vực quản lý của từng ngành, địa phương để chủ động xây dựng kêu gọi viện trợ từ các tổ chức PCPNN; thực hiện tốt hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin