Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Phú Lương đã quan tâm huy động các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế hộ. Với mục tiêu tạo sinh kế và bảo đảm đúng nhu cầu, phù hợp với thực tiễn điều kiện sản xuất, điều kiện lao động... bước đầu các dự án hỗ trợ giảm nghèo đã phát huy hiệu quả.
Trang trại chăn nuôi trâu, bò thịt của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương tại xã Động Đạt tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. |
Một trong những dự án đã và đang phát huy tốt hiệu quả hỗ trợ giảm nghèo là Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup, UBND huyện Phú Lương đã xây dựng mô hình hợp tác liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững. Theo đó, Quỹ Thiện tâm tài trợ cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương 25 con bò giống và cho vay 25 con bò giống với tổng trị giá 1 tỷ đồng.
HTX chuẩn bị đủ các điều kiện về hạ tầng, kinh phí hoạt động và tạo việc làm cho người dân bằng hình thức ký hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng liên kết với các hộ nghèo để cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho HTX; hỗ trợ các hộ dân tham gia Dự án để có thu nhập và các lợi ích khác từ 3 năm trở lên.
Được biết, trong năm 2023, huyện đã thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, triển khai 3 mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí từ ngân sách là trên 3 tỷ đồng, hỗ trợ 74 hộ.
Theo đó, các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê ở các xã: Yên Đổ, Động Đạt, Yên Trạch, Phủ Lý, Ôn Lương đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ có thêm sinh kế để thoát nghèo bền vững, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa.
Ông Bùi Đức Cường, thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương, cho biết: Sau hơn 1 năm triển khai Dự án, đến nay đàn bò đã sinh sản thêm chục con bê. Sau 3 năm chăm sóc, khi xuất bán, hộ nghèo tham gia chăn nuôi sẽ được 1 con bê. Bên cạnh đó, hằng ngày các hộ tham gia vào hoạt động chăn nuôi sẽ được HTX trả công với mức từ 200 nghìn đồng/ngày và thu mua cỏ, thức ăn của từng hộ...
Hoạt động liên kết, hợp tác này đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, đồng thời gắn trách nhiệm của các hộ nghèo với quy trình chăn nuôi khép kín. Hiện nay, HTX đã mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò lên 150 con, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động mỗi ngày.
Bên cạnh việc hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, huyện Phú Lương cũng chú trọng triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong năm 2023, huyện đã tổ chức 35 lớp đào tạo nghề sơ cấp, thường xuyên cho 1.144 lao động. Theo đó, trên 80% số lao động có việc làm thường xuyên, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương...
Với những giải pháp thiết thực, hết năm 2023, toàn huyện còn 736 hộ nghèo (chiếm 2,86%), giảm 317 hộ so với đầu năm (vượt 0,65% kế hoạch); hộ cận nghèo còn 790, giảm 209 hộ.
Theo bà Đỗ Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương: Năm 2024, huyện tiếp tục tập trung các nguồn lực, trong đó triển khai giải ngân và hướng dẫn các hộ nghèo sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, trên cơ sở lồng ghép các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề đã và đang triển khai. Toàn huyện phấn đấu trong năm giảm thêm từ 400-500 hộ nghèo và cận nghèo; đồng thời duy trì hiệu quả các dự án đầu tư hỗ trợ hộ nghèo, bảo đảm nâng cao chất lượng đời sống người dân, chống tái nghèo và tạo sinh kế bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin