Hồi âm loạt bài "Nóng" tình trạng làm và sử dụng giấy tờ giả: Tạo sức hút dư luận xã hội

Nhóm P.V Nội chính 07:17, 19/04/2024

Sau khi loạt bài viết "Nóng" tình trạng làm và sử dụng giấy tờ giả" được đăng tải trên Báo Thái Nguyên (từ ngày 15-4 đến ngày 18/4/2024), Tòa soạn nhận được nhiều ý kiến từ các độc giả. Trong đó, các ý kiến bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, vì loạt bài viết đã “khui” ra những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua, bán, làm giả các loại giấy tờ, để người dân hiểu rõ và thấy được hậu quả khi sử dụng giấy tờ giả.

Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên họp bàn, trao đổi nghiệp vụ phá án liên quan đến sử dụng giấy tờ giả.
Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên họp bàn, trao đổi nghiệp vụ phá án liên quan đến sử dụng giấy tờ giả.

Giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm

Bà Đồng Thị Thái, tổ dân phố 9, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cho biết: Là người thường xuyên đón đọc các ấn phẩm của Báo Thái Nguyên, tôi thấy trước đây Báo cũng đã đưa một số tin, bài nhỏ lẻ, mang tính chất thông tin một số vụ việc làm và sử dụng giấy tờ giả. Sau khi đọc tác phẩm "Nóng" tình trạng làm và sử dụng giấy tờ giả, trên Báo Thái Nguyên, tôi nhận thấy đây là loạt bài viết có góc nhìn đa chiều. Chắc hẳn, nhóm tác giả đã mất rất nhiều thời gian để thâm nhập, tiếp cận các đối tượng, tìm hiểu về các cách thức, thủ đoạn hoạt động của chúng. Đồng thời tìm hiểu nhiều nguồn thông tin từ các cơ quan chức năng để có sự phân tích và khuyến cáo đối với người dân một cách đầy đủ, chặt chẽ.

Ông Hoàng Cường Quốc, tổ 16, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), cho biết: Quan trọng nhất là loạt bài viết này đã cung cấp cho độc giả một số cách nhận diện các loại giấy tờ giả, từ đó có thể phân biệt thật - giả khi gặp phải. Đồng thời hướng dẫn người dân khi thực hiện các giao dịch quan trọng, liên quan đến giấy tờ thì nên đến đơn vị nào xác minh, giám định, để không “sập bẫy” lừa đảo của các đối tượng sử dụng giấy tờ giả.

Trên trang Báo Thái Nguyên điện tử cũng đã nhận về nhiều lượt truy cập loạt bài viết, một số người dân đã để lại bình luận bày tỏ quan điểm đồng tình với loạt bài trên. Chủ tài khoản Facebook Phan Thái nhận xét: “Bài viết hay và có sự điều tra công phu. Nạn làm giấy tờ giả cũng như bán nhiều loại hàng hóa giả, không rõ nguồn gốc khác tràn lan, hiện đang là tình trạng khá phổ biến trên mạng xã hội. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt và có biện pháp xử lý kiên quyết”.

Tài khoản Thu Hiền Đỗ bình luận: “Bài viết rất thuyết phục, sắc sảo, có tác động lớn đối với xã hội, đặc biệt là người dân. Cảm ơn Báo Thái Nguyên!”. Tài khoản Ngân Hoàng Thị viết: “Báo Thái Nguyên phản ánh rất chân thực hiện tượng xã hội hiện nay. Dân mình giờ nhiều người vẫn sính bằng cấp nên mua và dùng giấy tờ giả trong xin việc, “đánh bóng” hồ sơ mà không lường được hậu quả. Pháp luật phải xử lý nghiêm để răn đe”...

 
Một số phản hồi của độc giả Báo Thái Nguyên về loạt bài viết.
Một số phản hồi của độc giả Báo Thái Nguyên về loạt bài viết.

Cần tăng cường tuyên truyền

Ông Trần Văn Cần, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên, cho biết: Tôi là một độc giả thường xuyên của Báo Thái Nguyên và khá “khó tính” khi tiếp cận thông tin. Song, tôi đánh giá cao loạt 4 bài phóng sự của báo nêu về vấn nạn mua bán, sử dụng giấy tờ giả.

Thực tế cho thấy, từ trước tới nay, công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức không mua bán, sử dụng giấy tờ giả chưa thực sự được chú trọng. Vì vậy, nhận thức của người dân nói riêng và cả một số cán bộ, công, viên chức về giấy tờ giả, các hình thức, thủ đoạn của việc mua bán, sử dụng giấy tờ giả còn hạn chế.

Nhiều người không lường được hậu quả, nên vẫn “hồn nhiên” mua, sử dụng giấy tờ giả, chính điều này đã gián tiếp tiếp tay cho tội phạm làm giả giấy tờ có “đất sống”. Đó cũng là lý do khiến nhiều người vẫn dễ dàng bị các đối tượng dùng giấy tờ giả lừa đảo chiếm đoạt tài sản; một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng hoặc các công chứng viên, cán bộ chuyên môn cấp xã, huyện khó xác định được các giấy tờ thật - giả khi người dân mang đến giao dịch, khó tránh khỏi để “lọt” giấy tờ giả.

Quá trình thực hiện loạt bài viết này, phóng viên Báo Thái Nguyên cũng đã trao đổi với đại diện nhiều cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hội Luật gia, đại diện cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhận được chung ý kiến: Đề nghị thời gian tới, Báo Thái Nguyên nói riêng và các cơ quan nói chung tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân nắm rõ hơn về các thủ đoạn lừa đảo bằng giấy tờ giả, cách thức nhận biết các loại giấy tờ giả. Từ đó người dân đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và tuyệt đối không vì bất cứ lý do gì mà sử dụng các loại giấy tờ giả trong công tác, xin việc, tham gia giao thông, giải quyết các thủ tục hành chính, gây hệ lụy khó lường.

Bên cạnh đó, với vai trò, chức năng của các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cũng sẽ tổ chức nhiều buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật, lồng ghép nội dung tuyên truyền về giấy tờ giả, để nội dung này “ngấm” dần vào quần chúng nhân dân, nâng cao ý thức tham gia giúp các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm nói chung, tội phạm về giấy tờ, tài liệu giả nói riêng.

Cùng với tuyên truyền, thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng sẽ xây dựng các kế hoạch, chuyên đề đấu tranh với tội phạm về giấy tờ giả. Tập trung đấu tranh triệt phá, bóc gỡ, xử lý nghiêm đường dây làm giấy tờ giả, đẩy lùi tội phạm về giấy tờ giả, không để những đường dây làm và mua bán giấy tờ giả hoành hành, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.