Trong căn nhà tại tổ 2, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), ông Hồ Chí Ân mở đầu câu chuyện với chúng tôi: Tôi tự hào về một thuở là chiến sĩ pháo binh tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Ông Hồ Chí Ân kể chuyện về về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cho con, cháu nghe. |
Sinh ra trong một làng quê nghèo ở xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, năm 19 tuổi, chàng trai Hồ Chí Ân gia nhập quân đội, được biên chế vào bộ đội chủ lực của đại đội 757, Tiểu đoàn 275, Trung đoàn 675. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Ân nhớ lại: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị chúng tôi hành quân từ Tuyên Quang sang Sơn La, dừng chân mấy ngày ở tọa độ lửa ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La). Sau đó, chúng tôi leo lên tập kết ở đồi Pha Đin và chinh phục đỉnh đèo qua Tuần Giáo, tiến về Điện Biên. Trên đường khiêng pháo hành quân, chúng tôi luôn nhớ lời chỉ huy động viên anh em rất hài hước: Các đồng chí không đánh thắng trận này, thì không được về xuôi nhìn nông dân cải cách ruộng đất đâu!”.
Giai đoạn đầu của chiến dịch, đơn vị của ông Ân nhận lệnh đánh chiếm trận địa, không cho địch vào sân bay Mường Thanh, đồng thời, yểm trợ cho bộ binh đào hào. Thời gian này, đơn vị của ông đã lập thành tích xuất sắc khi bắn rơi nhiều dù của Pháp, lấy được lương thực cho anh em sử dụng. “Sau hơn 2 tháng trong trận địa, đơn vị tôi bắn rơi 16 máy bay, 1 khẩu đội với thành tích bắn rơi 2 máy bay được tuyên dương. Hai chiến sĩ có thành tích ngắm bắn trúng sau đó được Bộ Tư lệnh pháo binh tuyển đi”. Ông Ân nhớ lại. Ban đầu, chúng tôi nhận lệnh chiến dịch đánh nhanh, thắng nhanh, nhưng khi pháo khiêng vào cách mục tiêu 500-600 mét thì chúng tôi lại được lệnh khẩn cấp ta từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc nên phải “vần” pháo ra. “Quân lệnh như sơn” khi nhận lệnh, mỗi người dù mệt mỏi vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đợt 2, chính thức bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cả đơn vị của ông Ân nhận lệnh chuyển pháo lên đồi A1, nhiệm vụ bắn yểm trợ cho lực lượng công binh đào hầm vào chân lô cốt đặt 1 tấn bộc phá. Khi đó, mỗi khẩu pháo 100 ly được phân công cho hàng chục chiến sĩ vận chuyển vào trận địa. Các chiến sĩ chặn rơm bốn phía khẩu pháo, chặt giang phủ lên trên để ngụy trang và không bị xê dịch, lộ mục tiêu. Cạnh trận địa pháo, đơn vị bố trí nghi binh, chiến thuật để địch không phát hiện được đâu là trận địa thật giả của ta.
Theo lời kể của ông Ân, khi chuẩn bị vào trận chiến ác liệt, mỗi người trong đơn vị được hậu cần trang bị chút gạo rang đút vào ruột tượng để ăn, nước uống là nước suối. Ông Ân không quên buổi tối 6/5/1954, nhận mệnh lệnh tổng công kích toàn mặt trận, ông và các chiến sĩ trong đơn vị nhận bông y tế nút tai, để không bị ảnh hưởng bởi tiếng nổ của 1 tấn bộc phá. Trận đánh cuối cùng này, đạn pháo dữ đội, nhiều chiến sĩ của ta đã hy sinh, trong đó đại đội pháo của ông Ân có 3 người đã mãi mãi nằm xuống chiến trường. Chiều 7/5/1954, quân ta tiến vào bắt sống tướng Đờ Cát, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khoảnh khắc biết tin giải phóng, anh em đơn vị ông Ân ở giao thông hào reo hò ăn mừng. Ai cũng nhớ mãi hình ảnh lá cờ Việt Nam tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, cùng hình ảnh những người lính Pháp bị bắt làm tù binh, trên cổ đeo đôi giày và tay cầm cờ trắng vẫy hàng.
Nhấp chén trà, ông Ân tiếp lời: Do đại đội chúng tôi lập nhiều thành tích nên đã được tham dự lễ mừng chiến thắng ở Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cánh rừng Mường Phăng vào một tuần sau đó. Tôi không quên lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Tổng tư lệnh chiến dịch phát biểu lại buổi tổng kết; đại ý là: Chúng ta đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ, chúng ta đã đánh chắc tiến chắc và giành thắng lợi. Đêm ấy, chúng tôi cùng hò hét, hát vang theo đoàn văn công bài hát “Chiến thắng Điện Biên”, vui mừng nhận phần thưởng mỗi chiến sĩ một hộp thịt và một điếu thuốc lá Siêu Mao.
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Ân nhận lệnh hành quân về Nho Quan, Ninh Bình thực hiện nhiệm vụ đổi pháo. Đến ngày 1/1/1955, đơn vị về Hà Nội, thành lập doanh trại mới, tập bắn pháo chuẩn bị cho buổi lễ đón Trung ương Đảng, chính phủ từ ATK Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội.
Giai đoạn 1967-1969, ông Hồ Chí Ân tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Sau đó, ông bị thương và về điều dưỡng tại Đoàn an dưỡng của tỉnh Hải Dương. Những năm 1972-1974, ông là trợ lý pháo binh Bộ Tư lệnh thủ đô, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Từ năm 1974-1979, ông là Hiệu phó Trường dạy nghề thương binh Hà Nội, Quân khu Thủ đô. Cuối năm 1979, ông nghỉ hưu, trở về quê hương Thanh Hóa.
Sau khi về nghỉ hưu, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, ông đã tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Theo đó, ông có hơn 14 năm là Chủ tịch Ủy ban MTTQ, rồi Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa và Bí thư chi bộ ở khu dân cư cho đến năm 1999 mới nghỉ công tác. Sau đó, ông chuyển ra sinh sống cùng người con trai tại phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) cho đến nay.
Tháng 4 năm nay, ông Hồ Chí Ân tròn 92 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng. Các con cháu ông vẫn luôn tự hào về người cha, ông của mình, bởi ông được trời phú cho sức khỏe dẻo dai và trí nhớ cực kỳ minh mẫn. Luôn sống với tinh thần chiến sĩ Điện Biên, người lính bộ đội Cụ Hồ, ông là tấm gương mẫu mực cho con, cháu và các thế hệ noi theo…
Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ông Hồ Chí Ân vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương chiến thắng hạng Ba, Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 1-2-3, Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng 2, Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu Chiến trường Điện Biên... |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin