Thay đổi chính sách: Cán bộ vùng cao giảm thu nhập

Tùng Lâm 08:22, 16/06/2024

Năm 2023, Thái Nguyên giảm 5 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số. Đây là kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, khi không còn nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, nhiều cán bộ, công chức, viên chức công tác ở xã miền núi, vùng cao bị giảm thu nhập, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Long (Đồng Hỷ) khám sức khỏe định kỳ cho học sinh Trường Tiểu học Sa Lung. Tân Long là một trong những xã không còn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Long (Đồng Hỷ) khám sức khỏe định kỳ cho học sinh Trường Tiểu học Sa Lung. Tân Long là một trong những xã không còn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có những người trước đây được hưởng chế độ phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực, thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn hơn 10 triệu đồng. Nhiều người công tác ở các trạm y tế, thời gian đi trực nhiều hơn ở nhà; đi lại đường sá xa xôi, nay tiền lương giảm đi khá nhiều trong khi các khoản chi phí như xăng xe, sinh hoạt phí tăng do giá cả thị trường biến động nên đời sống có phần khó khăn hơn trước. Với những giáo viên công tác ở vùng khó, vấn đề giảm thu nhập cũng khiến nhiều người băn khoăn. Trên thực tế, nhiều giáo viên mầm non, tiểu học đi làm cả ngày ở trường, mọi việc ở nhà do chồng hoặc người thân đảm nhận. Bù lại, khoản tiền lương hằng tháng đã giúp được gia đình đủ chi tiêu ăn uống, học hành của các con và có cả một phần để tiết kiệm… Được xác định là nguồn thu nhập chính của cả gia đình nên khi không còn được hưởng phụ cấp, thu nhập giảm đã ảnh hưởng không nhỏ tâm lý của hầu hết giáo viên.

Trên thực tế, dù đã không còn nằm trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn nhưng điều kiện làm việc, di chuyển của giáo viên ở các địa phương này vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Đó là chưa kể, trình độ dân trí tại những xã này chưa thật sự đồng đều, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng cao luôn phải nỗ lực hơn rất nhiều trong công việc. Vì lẽ đó, việc không còn được hưởng chế độ phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực có phần thiệt thòi cho những con người đang miệt mài cống hiến ở các địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh.

Để lực lượng cán bộ, công chức, viên chức ở những xã này yên tâm công tác, cống hiến, nhiều người bày tỏ mong muốn được Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Theo đó, nhiều cán bộ cấp huyện, tỉnh đã kiến nghị Nhà nước tiếp tục cho cán bộ, công chức, viên chức ở những xã này được hưởng phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực từ 3-5 năm (sau khi đã không còn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn). Đây là những kiến nghị hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của những người đang công tác ở vùng cao. Mong rằng, những kiến nghị này sẽ được các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết để giúp Thái Nguyên và nhiều địa phương khác trong cả nước giải quyết được tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng ở miền núi, vùng cao.