4 tháng cuối năm 2023, bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, với 20 ca nhiễm, 3 ca tử vong. Riêng Thái Nguyên, có 2 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Hiện nay, bệnh đang tiếp tục có những diến biến khó lường khi xuất hiện 1 trường hợp tử vong tại Nghệ An; 1 trường hợp 18 tuổi, có địa chỉ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) bị mắc bệnh do tiếp xúc gần với trường hợp đã tử vong. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, Thái Nguyên đang tăng cường ngăn chặn bệnh bạch hầu quay trở lại.
Là bệnh thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta, Bạch hầu nằm trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo. Đường lây của bệnh là trực tiếp và gián tiếp. Người lành bị bệnh lây qua đường hô hấp trực tiếp khi tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện biến chứng. Ngoài ra, bệnh cũng lây khi tiếp xúc với vật dụng, đồ chơi dính dịch tiết chứa vi khuẩn sau đó đưa tay lên mũi, miệng.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho hay: Bệnh do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra với các biểu hiện chủ yếu ở đường hô hấp như bạch hầu mũi, họng, thanh quản, khí phế quản… Trong đó, có khoảng 70% người mắc bạch hầu họng. Các thể ít gặp hơn là bạch hầu da, bạch hầu mắt.
Với thể bạch hầu họng, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, mệt, chán ăn, họng đỏ. Sau 2 hoặc 3 ngày, mặt sau hoặc hai bên thành họng xuất hiện giả mạc có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu, có thể phình to gây tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp, tử vong cho người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu cũng có thể xâm nhập vào máu gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác như viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, đột ngột trụy tim mạch dẫn đến tử vong. Ngoài ra, bạch hầu cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận; liệt do tổn thương hệ thần kinh vận động. Đặc biệt, tim là bộ phận dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất. Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong. Tiếp theo là các các biến chứng thần kinh chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng. Bệnh có tỷ lệ tử vong từ 5-10%, thậm chí có thể lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.
Trước những diễn biến khó lường của bệnh bạch hầu, nhất là khi tại Hiệp Hòa (Bắc Giang), địa phương giáp ranh với huyện Phú Bình đã xuất hiện ca bệnh, Thái Nguyên đang tăng cường đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là giám sát chặt chẽ tình dịch bệnh tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ cao, xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không để dịch bùng phát trên địa bàn. Đồng thời, rà soát các đối tượng chưa tiêm phòng vắc xin bạch hầu để tổ chức tiêm chủng đạt tỷ lệ bao phủ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả.
Bà Giáp Thị Đạo, Trạm trưởng trạm Y tế xã Kha Sơn (Phú Bình) - nơi tiếp giáp với huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nói: Thực hiện chỉ đạo của ngành Y tế, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, bên cạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân qua cụm loa truyền thanh, tuyên truyền trực tiếp; vận động người dân khi có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh bạch hầu hoặc các dịch bệnh truyền nhiễm khác cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Cùng với đó, ngành Y tế cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc thu dung, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế, hạn chế tối đa các trường hợp diễn biến nặng và tử vong; đảm bảo đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh bạch hầu và các dịch bệnh khác. Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Ngành Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, củng cố đội cấp cứu cơ động trực thường trú 24/24h, sẵn sàng cấp cứu và hỗ trợ cho tuyến dưới hoặc đơn vị khác khi có yêu cầu; chủ động thông báo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khi có ca nghi ngờ mắc bệnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin