Tháng Bảy về là khoảng thời gian lắng đọng nhất để mỗi người Việt Nam kính cẩn, nghiêng mình trước anh linh của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, quên mình vì Tổ quốc; để tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công (NCC) với cách mạng. Những năm qua, nhiều hoạt động thiết thực, nghĩa tình được các cấp, ngành cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh Thái Nguyên hưởng ứng, thể hiện đạo lý cao đẹp ở một đất nước yêu chuộng hòa bình...
Đại diện Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh huyện Định Hóa đến thăm, tặng quà gia đình ông Ma Văn Tân, ở xóm Tân Hợp, xã Tân Dương, là thương binh, từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L |
Thái Nguyên tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm nơi “khai sinh” Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày để nhân dân cả nước thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947) - mảnh đất đã đi vào lịch sử, trở thành “địa chỉ đỏ” tri ân các thương binh, bệnh binh, anh hùng liệt sĩ là xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn - nay là tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Đã 77 năm trôi qua, nhưng thời gian không làm phai lạt, mà càng tô đậm thêm bởi lòng người ân nghĩa, biết đáp đền và biết gìn giữ, xây dựng quê hương, Tổ quốc ngày càng phồn vinh.
Cùng cả nước gồng mình trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có hàng vạn người con lên đường nhập ngũ, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường. Dưới “mưa bom, bão đạn”, nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc trở thành thương binh, bệnh binh, người bị ảnh hưởng chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Toàn tỉnh có trên 130.000 NCC với cách mạng được công nhận theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi NCC. Trong đó có trên 10.000 liệt sĩ, trên 12.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 580 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 13.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; trên 90.000 người hoạt động kháng chiến đã được tặng thưởng huân, huy chương và trên 80.000 NCC đã được giải quyết chế độ một lần hoặc hằng tháng theo các quyết định của Chính phủ.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng còn đây những nghĩa trang liệt sĩ trải dài trên nhiều miền đất nước. Với riêng tỉnh Thái Nguyên đã có tới 77 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ người Trung Quốc, 102 đài tưởng niệm liệt sĩ, 5 đền thờ liệt sĩ, 2 nhà bia ghi tên liệt sĩ.
Đặc biệt, tại 75 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh - nơi yên nghỉ của hơn 4.500 người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên, còn trên 1.200 ngôi mộ mới có một phần thông tin và trên 1.200 ngôi mộ chưa xác định được thông tin. Còn nữa, đó là những người con ưu tú đang nằm lại trên những vùng đất một thời là nơi “dầu sôi, chảo lửa” ở huyện biên giới Vị Xuyên (Hà Giang), ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Nghĩa trang Liệt sĩ Bá Thước (Thanh Hóa), Nghĩa trang Liệt sĩ Anh Sơn (Nghệ An), Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Thành cổ Quảng Trị…
Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đến thăm, trao quà tặng đại diện các thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc hóa học đang được nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam). |
Vinh quang lắm mà đau thương cũng nhiều. Bởi lẽ ấy mà các thế hệ cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên không ngừng thi đua thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC. Minh chứng là trên địa bàn tỉnh có 100% NCC được cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức hỗ trợ cao nhất; được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ hằng năm.
100% xã, phường thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC; nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học được phát hiện, can thiệp sớm, phục hồi chức năng các dị tật bẩm sinh. Các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho NCC trên địa bàn toàn tỉnh.
Đang những ngày tháng Bảy, tháng có nhiều gia đình chọn làm ngày giỗ cho người thân đã hy sinh (vì không rõ ngày hy sinh). Cũng những ngày tháng Bảy, tháng có một ngày đặc biệt, ngày 27-7, Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ngày thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng quý trọng và biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Đây là dịp các cấp, ngành chức năng của tỉnh tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa.
Trong tháng Bảy có khoảng 58.000 suất quà của Trung ương Đảng, Chính phủ, của tỉnh, huyện, thành phố, doanh nghiệp trao tặng cho NCC, thân nhân NCC với tổng số số tiền khoảng 15,7 tỷ đồng. Tuy số tiền không nhiều, nhưng là niềm động viên, chia sẻ đủ làm vơi một niềm đau mang tên chiến tranh.
Cùng thăm hỏi, tặng quà, tỉnh tổ chức nhiều đoàn đi thăm viếng các nghĩa trang trong tỉnh và môt số nghĩa trang liệt sĩ ngoài tỉnh có con em người Thái Nguyên yên nghỉ trên nhiều miền Tổ quốc. Rồi các đoàn đến thăm, tặng quà, động viên NCC, thân nhân NCC đang điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại Trung tâm Điều dưỡng NCC Thái Nguyên.
Xác định rõ đây không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mà còn là bổn phận của các thế hệ được thừa hưởng hòa bình. Chính vì thế, tỉnh không ngừng đẩy mạnh các phong trào: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC”. Qua đó huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia chia sẻ, chăm sóc, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho NCC và gia đình có thân nhân là NCC.
Mọi việc làm tri ân đều xuất phát từ tấm lòng biết ơn vô hạn, từ trái tim biết rung cảm của mỗi công dân ở vùng “đất thép, xứ trà” đối với những người đã hiến dâng tuổi xanh đời mình cho Tổ quốc…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin