Để hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra, các địa phương trong toàn tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh xây dựng mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đây là lực lượng tại chỗ, có thể chớp được “thời điểm vàng” trong xử lý tình huống khi có cháy nổ xảy ra tại khu dân cư, nhà ở.
Xã Yên Đổ (Phú Lương) tổ chức ra mắt 3 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy. |
Theo Thượng tá Phan Thanh Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh): "Thời điểm vàng" trong công tác cứu hỏa là dưới 5 phút kể từ khi xảy ra cháy. Vì vậy, trong thời gian chờ đợi sự cơ động của lực lượng PCCC chuyên nghiệp, tổ liên gia an toàn PCCC, với các hộ gia đình, thành viên đã được trang bị hệ thống chuông báo động, bình chữa cháy và các kỹ năng cơ bản để dập tắt đám cháy, chính là lực lượng có thể ứng biến tại chỗ, tránh đám cháy lan rộng và giảm thiệt hại về người, tài sản. Thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều đám cháy được tổ liên gia an toàn PCCC dập tắt.
Có thể kể đến như đám cháy xảy ra cuối tháng 4-2024 tại ngôi nhà để ở kết hợp kinh doanh của gia đình ông Trương Văn Cương, ở tổ dân phố Thái An, thị trấn Đu (Phú Lương). Thời điểm đó, gia đình ông Cương đang sinh hoạt tại tầng 1, không biết có cháy xảy ra tại tầng 3.
Sau khi phát hiện đám cháy, các thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC tổ dân phố Thái An lập tức ấn chuông báo cháy và hô hoán, mang bình chữa cháy đến xử lý. Đồng thời thông báo đến cấp ủy, chính quyền và Công an địa phương. Nhờ vậy, đám cháy được dập tắt hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn, không gây thiệt hại lớn về tài sản và không có thiệt hại về người.
Tại tổ dân phố 15, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), trung bình mỗi năm, các tổ liên gia an toàn PCCC dập tắt được 5-7 đám cháy. Ông Bùi Gia Khơi, Tổ trưởng tổ dân phố 15, cho hay: Là địa bàn có nhiều nhà để ở kết hợp kinh doanh, công tác PCCC luôn được bà con trong tổ dân phố quan tâm. Tổ có 8 tổ liên gia an toàn PCCC. Mỗi hộ trong tổ liên gia đều tự nguyện đóng góp để mua chuông báo cháy, bình cứu hỏa, dụng cụ phá dỡ. Tổ dân phố cũng tự trang bị hệ thống vòi chữa cháy cơ bản tại một số khu vực kinh doanh sầm uất. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tham gia dập tắt 3 đám cháy.
Các thành viên tổ liên gia đều được tập huấn kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy. |
Mô hình “Tổ liên gia PCCC” gồm 5 đến 15 hộ gia đình (nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất - kinh doanh) liền kề nhau. Mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và tối thiểu 1 bộ dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu…). Các phương tiện này sẽ được để ở nơi dễ thấy, dễ lấy nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
Điểm thiết thực, nổi bật trong mô hình này là mỗi hộ gia đình sẽ lắp đặt chuông báo cháy tại tầng 1 và nút ấn báo cháy (ở trong và ngoài nhà). Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ trong tổ liên gia được liên kết với nhau (bảo đảm khi ấn bất kể nút nào thì toàn bộ chuông của các gia đình cùng kêu), để kịp thời tương trợ nhau khi có tình huống, sự cố cháy, nổ xảy ra trên địa bàn.
Người dân trong tổ liên gia cũng được hướng dẫn, tập huấn những kỹ năng cơ bản trong công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Từ đó đảm bảo xử lý nhanh, hiệu quả các vụ sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu, không để phát sinh gây hậu quả.
Kể từ mô hình đầu tiên được ra mắt vào năm 2022, tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động có hiệu quả 543 tổ liên gia an toàn PCCC tại cơ sở. Qua đánh giá cho thấy, mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư. Nhiều nguy cơ cháy, vụ cháy nhỏ được nhân dân kịp thời phát hiện, xử lý góp phần kiềm chế, giảm thiểu số vụ cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.
Có thể khẳng định, các tổ liên gia an toàn PCCC có vai trò quan trọng, là lực lượng tại chỗ, kịp thời báo động khi phát hiện tình huống cháy. Đây cũng là lực lượng "4 tại chỗ" sẵn sàng về phương tiện, có kinh nghiệm để nhanh chóng huy động người dân tham gia chữa cháy, chớp được “thời điểm vàng” trong xử lý tình huống khi có cháy nổ xảy ra tại khu dân cư, nhà ở.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin