Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 527 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó 116 HTX thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Những năm qua, hoạt động của các HTX nông nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các DTTS. Trong đó tập trung vào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ; phát huy thế mạnh vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị...
Thành viên HTX nông sản an toàn Liên Minh (Võ Nhai) thu hái chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: T.L |
Nhằm "tiếp sức" cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế tập thể, Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật phối hợp với Liên minh HTX, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương, đơn vị liên quan đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như: Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển sản phẩm OCOP, ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển nông nghiệp an toàn, hữu cơ; quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực…
Trong hai năm qua, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 235 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp, trong đó có 85 mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật (gồm 45 mô hình lĩnh vực trồng trọt về sản xuất lúa, chè, rau hữu cơ, sản xuất an toàn theo VietGAP và ứng dụng công nghệ cao; 19 mô hình, dự án chăn nuôi; 15 mô hình hỗ trợ sản xuất thủy sản tập trung; còn lại là lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý rừng bền vững); 40 mô hình hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 10 mô hình hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, phát triển kinh tế tập thể và các mô hình hỗ trợ sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP...
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 240 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao, trong đó 195 sản phẩm (bằng 81%) của chủ thể là HTX. Việc phát triển HTX nông nghiệp và mô hình kinh tế tập thể cùng các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tiếp tục tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho đồng bào các DTTS sống ở vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn.
Đến nay, toàn tỉnh có 90/98 xã vùng DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới (91,8%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân 2,55%/năm trong giai đoạn 2021-2023, cùng nhiều kết quả tích cực trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn tại vùng đồng bào DTTS&MN.
Theo đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh tại một số nơi có đồng bào DTTS&MN của tỉnh còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu bài bản. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Chuỗi giá trị sản phẩm làng nghề chưa được khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông) tuy đã được hình thành ở một số nghề nhưng tính bền vững không cao. Chất lượng, mẫu mã, số lượng sản phẩm phần lớn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có của địa phương. Trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của phần lớn HTX, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp.
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, thời gian tới, các cấp ngành, chức năng cần tiếp tục trang bị cho bà con kiến thức và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật; giới thiệu tiến bộ kỹ thuật, các mô hình hiệu quả nhằm tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng để giúp nông dân ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao.
Bên cạnh đó, người dân vùng đồng bào DTTS&MN cần chủ động và tích cực liên kết trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, thông qua nhiều hình thức hỗ trợ và đẩy mạnh việc xây dựng HTX kiểu mới, tổ hợp tác, mô hình trang trại...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin