Kinh tế tập thể tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Phong 08:32, 15/09/2023

Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đối với huyện vùng cao Võ Nhai, nơi có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, KTTT, HTX được xem là "bệ đỡ" tạo sinh kế cho bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.

100% lao động làm việc tại HTX chế biến nông sản Võ Nhai đều là người dân tộc Tày, Dao tại địa phương
100% lao động làm việc tại HTX chế biến nông sản Võ Nhai đều là người dân tộc Tày, Dao tại địa phương.

Lâu nay, Võ Nhai được nhắc đến với biệt danh huyện “ba khó”: Địa hình phức tạp, chia cắt, mật độ dân cư thưa thớt; khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế và khó khăn trong thoát nghèo… Đây là những "rào cản" lớn khiến việc phát triển kinh tế của người dân nơi đây không dễ dàng.

Trước thực tế đó, những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững, trong đó có việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các mô hình KTTT, HTX. Qua đó, KTTT, HTX trên địa bàn huyện dần được nâng cao cả về chất và lượng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hỗ trợ người dân giảm nghèo, mở hướng phát triển kinh tế hàng hóa cho địa phương.

Là một trong những HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương, HTX chế biến nông sản Võ Nhai (ở xóm Na Rang, xã Vũ Chấn) hiện đang tạo việc làm cho gần 40 thành viên và người lao động, với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, tất cả người lao động của HTX đều là người dân tộc Tày, Dao ở địa phương. 

Bà Ma Thị Vân, người lao động tại HTX,  chia sẻ: Tôi đã hơn 60 tuổi, lại không có bằng cấp gì nên khi có việc làm và thu nhập ổn định, lại làm việc gần nhà, tôi rất phấn khởi. Công việc ở HTX cũng tương đối nhẹ nhàng, không độc hại, phần đa công đoạn đều đã có máy móc hỗ trợ.

Anh Ma Văn Trình, Phó Giám đốc HTX chế biến nông sản Võ Nhai, cho biết: Xuất phát từ thực tế người dân thu hoạch măng nứa vất vả nhưng bị tư thương ép giá, HTX được thành lập nhằm đảm bảo đầu ra cho nông sản tại địa phương. HTX hiện liên kết với 5 tổ hợp tác trong vùng để bao tiêu sản phẩm măng, mộc nhĩ cho trên 200 hộ dân ở các xã Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc. Sản phẩm chế biến sâu của HTX là măng nứa, mộc nhĩ khô đã đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh vào năm 2022.

HTX nông sản an toàn Liên Minh, xã Liên Minh thu hút 50 thành viên và 40 hộ dân trong xã tham gia trồng và sản xuất 51ha chè VietGAP
HTX nông sản an toàn Liên Minh, xã Liên Minh (Võ Nhai) thu hút 50 thành viên và 40 hộ dân trong xã tham gia trồng và sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng huyện Võ Nhai, các HTX được thành lập trên địa bàn đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, nhằm liên kết để sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn, khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế tại địa phương.

Tiêu biểu như tại xã La Hiên hiện có 10 HTX đang hoạt động, trong đó chiếm trên 90% là HTX nông nghiệp, như: HTX na La Hiên, HTX nông sản sạch La Hiên, HTX nông sản an toàn Hiên Minh… Các HTX đã góp sức xây dựng và phát triển 50ha na VietGAP, trên tổng số 320ha chuyên canh na của xã.

Theo ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên: Việc ra đời các HTX tại địa phương đã góp phần giải quyết việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn đạt hơn 95%, thu nhập bình quân người dân đạt khoảng 47 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 8%. Ngoài ra, việc các HTX tham gia xây dựng sản phẩm chủ lực, OCOP đã góp sức đưa La Hiên cán đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.

Tính chung trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 8 tổ hợp tác, trên 90 HTX và 14 làng nghề “phủ sóng” tại 15/15 xã, thị trấn. Thời gian qua, các thành phần KTTT này đã góp phần thay đổi tư duy, định hướng sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn thành viên và người lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, với mức thu nhập bình quân đạt 65-70 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, các HTX, tổ hợp tác cũng đã xây dựng thành công 11/12 sản phẩm đạt OCOP của huyện, nâng cao giá trị kinh tế cho các đặc sản tại địa phương. Qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số ở Võ Nhai nói riêng.

Kết thúc năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Võ Nhai giảm còn 16,2%; hầu hết các xóm, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường bê tông; 11/15 xã, thị trấn có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã; 98% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…