Trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), một trong những yếu tố có vai trò quyết định là đảm bảo thực hiện tốt từ địa bàn cơ sở, lấy phòng ngừa là chính. Với phương châm đó, thời gian qua, phong trào "Toàn dân tham gia PCCC" luôn được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Thái Nguyên quan tâm.
Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) tham gia diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. |
Theo các chuyên gia, đám cháy dù lớn hay nhỏ nhưng đều có điểm chung là nếu người dân nắm vững quy luật “giờ vàng” để chữa cháy thì hoàn toàn có thể dập tắt. Thượng tá Phan Thanh Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), thông tin: 5 phút đầu tiên sau khi đám cháy xảy ra là giai đoạn rất quan trọng để khống chế, dập tắt lửa. Do đó, khi lực lượng chữa cháy chuyên ngành đang di chuyển thì vai trò của người dân ở cơ sở hết sức quan trọng. Để tận dụng được thời điểm này một cách hiệu quả thì người dân phải nắm vững những kiến thức về phát hiện, báo động, tham gia chữa cháy…
Nhằm nâng cao ý thức của người dân, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về lĩnh vực này tới cộng đồng. Nội dung, hình thức tuyên truyền được xây dựng phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, từng thời điểm, hướng đến trọng tâm là trang bị cho người dân kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ an toàn. Trong các buổi tuyên truyền, người dân được hướng dẫn cách sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC tại chỗ; giải pháp an toàn trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh hoạt; kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ...
Đặc biệt, từ đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã tăng cường tổ chức các buổi trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, trường học… Tại đây, người dân được trực tiếp trải nghiệm các hình thức cứu hộ trong đám cháy bằng thang dây, thang cứu hỏa, dây cáp…; đồng thời được thực hành chữa cháy bằng bình khí và bình bột.
Theo Thượng tá Trần Văn Lịch, Phó Trưởng Công an huyện Đồng Hỷ: Thời gian qua, Công an huyện đã tích cực tham mưu cho UBND huyện triển khai các hoạt động nâng cao hiệu quả PCCC từ cơ sở. Toàn huyện đã thành lập được 23 tổ liên gia an toàn PCCC. Cùng với đó, trên 23.000 hộ dân (trong đó có 100% hộ nghèo) đã trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ, có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn theo vận động của cấp, ngành chức năng.
Là xóm đặc biệt khó khăn nhưng Khe Rịa (xã Vũ Chấn, Võ Nhai) đã xây dựng được điểm chữa cháy công cộng. |
Từ tháng 7-2024, khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập trong toàn tỉnh, công tác phòng cháy từ cơ sở tiếp tục được tăng cường. Các tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng được tập huấn kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng dân phòng trong hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Tính chung toàn tỉnh, đến nay, Thái Nguyên đã thành lập được 638 tổ liên gia an toàn về PCCC, trên 2.300 điểm chữa cháy công cộng. Trong số này, nhiều tổ liên gia đã phát huy tốt vai trò, kịp thời báo động và sử dụng phương tiện, huy động người dân tham gia chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn khi có đám cháy xảy ra tại khu dân cư, nhà ở.
Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, tình hình sự cố cháy, nổ thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, khó dự báo. Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 82 vụ cháy, nổ (tăng 49 vụ so với năm 2023); gây thiệt hại về tài sản hơn 1,9 tỷ đồng (giảm hơn 4,8 tỷ đồng so với năm 2023). Trong số đó, nhiều vụ cháy được quần chúng và lực lượng ở cơ sở phát hiện, dập tắt kịp thời, ít gây thiệt hại về người và tài sản.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ: Yếu tố quan trọng nhất là mỗi người, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị cần không ngừng nâng cao ý thức chủ động PCCC, trang bị kiến thức và kỹ năng an toàn cho chính mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin