Là một trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận quản lý vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ tập trung triển khai tốt các chính sách có liên quan đến tín dụng ưu đãi, cho vay vốn đến hội viên.
Hội Nông dân (HND) huyện Đồng Hỷ có trên 14.000 hội viên sinh hoạt tại 142 chi hội, 14 hội cơ sở. Trên địa bàn có nhiều hội viên, chi hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng để tiếp sức, đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế.
Chị An Thị Hương, Chủ tịch HND huyện Đồng Hỷ, cho biết: Để nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả, hàng năm, các cấp hội trong huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức dạy nghề, tập huấn kỹ thuật, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ về trồng trọt, chăn nuôi; kỹ năng quản lý, sử dụng vốn giúp hội viên, nông dân nâng cao kiến thức, áp dụng vào thực tiễn.
Riêng năm 2024, Hội đã phối hợp tổ chức được 8 lớp tập huấn, 83 buổi tham quan, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về các giống cây ăn quả, lúa lai, chăn nuôi, phân bón hữu cơ vi sinh, sản xuất chè VietGAP; phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, sản xuất nông nghiệp kết hợp bảo vệ môi trường.
Cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, công tác quản lý vốn vay cũng được HND huyện Đồng Hỷ chú trọng. Hội phân công cán bộ thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ để bảo đảm tiền được sử dụng đúng mục đích; tăng cường kiểm tra, thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật… Đến nay, tổng dư nợ do Hội quản lý là hơn 198,4 tỷ đồng, với 2.744 hộ vay; 78 tổ tiết kiệm & vay vốn, 100% được đánh giá xếp loại tốt.
Qua kiểm tra, nhìn chung các đơn vị quản lý tương đối tốt các nguồn vốn cho vay, không có hiện tượng xâm tiêu, vay chung, vay ké, không có nợ quá hạn. Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân đã đẩy mạnh đầu tư thâm canh cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có tiền để sửa chữa và nâng cấp nhà ở, mua sắm thiết bị, tiện nghi sinh hoạt, góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Trần Thị Lương ở xã Văn Hán đã mở rộng sản xuất, chế biến chè. |
Gia đình chị Trần Thị Lương, dân tộc Nùng, xóm Cầu Mái, xã Văn Hán, là một trong điển hình. Chị Lương chia sẻ: Khi mới ra ở riêng, hai vợ chồng không có gì, cứ đi làm thuê, tích cóp mãi cũng mua được mấy sào đất trồng chè. Năm 2020, chúng tôi được vay 50 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội để san gạt mở rộng diện tích trồng và mua sắm máy sao, máy vò chè. Đến nay, ngoài trồng 8 sào chè, gia đình cũng thu mua chè tươi trong vùng để sao thành phẩm bán.
Trung bình mỗi tháng, xưởng của chị chế biến được 1,2 tấn chè khô, (hoạt động liên tục trong khoảng 10 tháng), trừ chi phí mỗi năm thu về khoảng 250 triệu đồng. Chị Lương rất vui vì gia đình thoát nghèo, kinh tế khấm khá. Mới đây, chị còn tham gia Tổ hội nghề nghiệp sản xuất chế biến chè xanh xóm Cầu Mái. Chị mong qua đây sẽ học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để công việc sản xuất, kinh doanh chè ngày một tốt hơn.
Theo chị An Thị Hương, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo động lực để nông dân tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Đầu năm 2024, toàn Hội tuyên truyền, vận động được 8.660 hộ gia đình hội viên đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Qua bình xét đã có 4.330 hộ gia đình nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ sản xuất giỏi với tinh thần tương thân tương ái đã tự nguyện giúp đỡ cho các hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn bằng tiền, ngày công, cây con giống và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin