Hiện nay, Thái Nguyên còn 8.238 hộ nghèo (chiếm 66,33%) và 5.932 hộ cận nghèo (chiếm 48,44%) là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong số này, nhiều hộ nghèo đang rơi vào tình cảnh thiếu hoặc không có đất sản xuất. Đây là một trong những yếu tố khiến công tác giảm nghèo trở thành bài toán khó ở một số địa phương miền núi (MN).
Xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) có diện tích đất sản xuất lớn, với gần 1.700ha, đây là cơ hội để người dân tiếp cận được với đất sản xuất. |
Văn Lăng (Đồng Hỷ) nằm trong số 14 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Mặc dù trong những năm qua, cơ sở hạ tầng ở đây đã có nhiều đổi thay nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn chiếm đến trên 50% trong tổng số hộ của xã (1.339 hộ). Ngoài những chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, nhiều hộ nghèo ở Văn Lăng hiện đang thiếu hoặc có đất sản xuất, dẫn đến không có điều kiện để phát triển kinh tế, cuộc sống bấp bênh.
Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Nghĩa, ở xóm Tân Lập. Không có đất sản xuất nên hằng ngày, để có tiền nuôi 2 con ăn học cũng như trang trải chi phí sinh hoạt cho 4 nhân khẩu trong gia đình, hằng ngày, chị Nghĩa đi thu mua chè tươi, chè khô của bà con trong xã sau đó bán lại cho các thương lái để lấy chút ít tiền công. Chị Nghĩa chia sẻ: Tôi rất mong muốn Nhà nước hỗ trợ cho gia đình một phần diện tích đất sản xuất hoặc tiền để gia đình tự mua đất. Qua đó, chúng tôi có chỗ trồng cây lúa, hạt ngô lấy lương thực ăn hằng ngày, chứ sống ở nông thôn mà đi mua từng cân gạo ăn, cuộc sống rất vất vả!
Cách nhà chị Nghĩa không xa là gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết. Hoàn cảnh của gia đình bà Tuyết cũng không khác biệt nhiều so với nhà chị Nghĩa. Do không có đất sản xuất nên trước đây, 2 vợ chồng bà Tuyết phải bươn chải đủ nghề như: đi xây, phụ hồ, hái chè, vác gỗ thuê... để kiếm sống. Tuy nhiên, trong quá trình đi làm thuê, chồng bà Tuyết không may gặp tai nạn lao động phải nằm liệt giường, một mình bà Tuyết phải tần tảo sớm hôm để chăm lo cho cả gia đình.
Nhìn vào ngôi nhà đang xây dở dang, bà Tuyết buồn rầu: Sau bao lần đắn đo suy nghĩ, vừa qua, gia đình tôi đã quyết định vay mượn để xây một ngôi nhà mới kiên cố, an toàn hơn, nhưng chưa kịp hoàn thành thì chồng bị tại nạn. Để có tiền lo thuốc thang cho chồng, lo ăn học cho đứa cháu ngoại và trả nợ, hằng ngày tôi đi hái chè thuê cho các hộ dân trong xóm, nhưng tiền công cũng không thấm vào đâu. Nhiều người thấy thương cho hoàn cảnh của gia đình và có ý định bán rẻ cho tôi một ít đất sản xuất, nhưng gia đình vẫn không đủ tiền để mua.
Trên địa bàn xã Văn Lăng còn khoảng 30 hộ dân không có đất sản xuất, tất cả đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Câu chuyện thiếu hoặc không có đất sản xuất ở Văn Lăng cũng đang là thực trạng ở nhiều vùng đồng bào DTTS và MN trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù những năm trước đây, Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào, như: Quyết định số 755/QĐ-TTg, Quyết định số 2085/QĐ-TTg, nhưng số hộ được hỗ trợ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.
Theo thống kê, trong 4 năm (2017-2020), toàn tỉnh chỉ có 28/1.171 hộ được hỗ trợ đất sản xuất theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg. Thay vào đó, bà con được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp (hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất nông nghiệp). Do đó, thời gian tới, chính quyền các địa phương cũng như người dân rất mong muốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN sẽ giúp giải quyết được vấn đề về đất sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Diện, Trưởng xóm Tân Lập, xã Văn Lăng, cho biết: Khi người dân không có đất sản xuất mà được hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất thì bà con cũng không biết để làm gì. Còn lấy máy móc để đi làm thuê cũng khó, bởi nhiều hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, sức khỏe không đảm bảo, phải lo chăm sóc gia đình. Theo tôi, nếu địa phương không còn quỹ đất chung để giao cho người dân thì có thể hỗ trợ bằng tiền để bà con tự tìm mua đất. Thực tế trong cộng đồng dân cư, với tình làng, nghĩa xóm, nhiều hộ sẵn sàng nhượng lại một phần đất của gia đình mình cho các hộ nghèo khi được hỗ trợ một phần công khai phá, cải tạo đất…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin