Thêm yêu quê hương qua từng câu Sấng Cọ

Hải Hằng 07:21, 15/03/2023

Sau những buổi lao động ngoài đồng lúa, trên nương chè, Câu lạc bộ (CLB) hát Sấng Cọ chính là điểm hẹn mà nhiều người dân xóm Khuôn U (xã Na Mao, Đại Từ) tìm đến để được giao lưu, ngân nga những câu hát ngọt ngào, uyển chuyển, xua đi nỗi mệt nhọc nhà nông, vun đắp thêm tình yêu quê hương…  

Các thành viên Câu lạc bộ hát Sấng Cọ xóm Khuôn U trong một buổi tập luyện.
Các thành viên Câu lạc bộ hát Sấng Cọ xóm Khuôn U trong một buổi tập luyện.

Sấng Cọ hay còn gọi là hát đối, là nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Chay và Cao Lan ở xã Na Mao. Cuộc sống hiện đại với “guồng quay” cơm áo, cùng sự du nhập của nhiều loại hình văn hóa đã đẩy làn điệu Sấng Cọ cổ xưa vào những hoài niệm. Đến khi CLB hát Sấng Cọ xã Na Mao được thành lập, những câu hát Sấng Cọ lại được đánh thức, ngân vang khắp xóm làng Khuôn U.

Bà Trần Thị Án là người sáng lập ra CLB hát Sấng Cọ và hiện là Chủ nhiệm CLB hát Sấng Cọ xóm Khuôn I. Với tình yêu dành cho những câu hát cổ, cách đây hơn chục năm, bà đã mày mò tìm gặp những người cao tuổi ở địa phương để sưu tầm lại những trang sách ghi bài hát cổ, rồi tập hợp một số người để lập thành nhóm hát.

Bà Án cho biết: Lúc bé được nghe ông bà hát Sấng Cọ, tôi rất mê và thuộc một số câu hát. Sấng Cọ có thể hát ở mọi lúc, mọi nơi, trong đám hỏi, đám cưới, ngày lễ, tết, buổi giao lưu, tỏ tình, khi đi làm nương… Lời bài hát có nội dung phong phú, hướng con người vào những điều tốt đẹp. Vì vậy, tôi mong mình có thể góp sức khơi dậy và lan tỏa điệu hát truyền thống của dân tộc vào đời sống ngày nay, để lớp cháu con được nghe và được hát những câu hát nhắc nhở con người sống đẹp hơn. Việc tập hợp người tham gia nhóm hát không khó, bởi mỗi người dân Sán Chay ở đây đã sẵn có tình yêu với văn hóa dân tộc mình, đặc biệt là làn điệu Sấng Cọ. Tôi chỉ nhen thêm “lửa” cho tình yêu ấy bùng cháy lên thôi.

Từ tình yêu ấy, bà Án đã sưu tầm được nhiều cuốn sách ghi chép các bài hát của ông bà xưa, rồi đem sắp xếp, in lại thành 9 tập sách để dạy nhau cùng hát, đồng thời là “tài sản” lưu giữ cho đời sau.

Năm 2017, CLB hát Sấng Cọ xóm Khuôn U được thành lập, từ đó số thành viên cứ đông dần, đến nay đã có 76 thành viên, gồm con dâu, con rể của người dân tộc sán chay. Người cao tuổi nhất năm nay đã 90 và nhỏ tuổi nhất mới 4 tuổi. Điều đặc biệt là CLB có rất nhiều thanh, thiếu nhi tham gia, với 27 người (tuổi từ 4-16 tuổi).

 

Để có nhiều bài hát góp vào mỗi buổi sinh hoạt, năm 2015, các thành viên trong CLB đã sưu tầm các điệu múa, bài thơ của Lưu Tam dịch ra để tập hát, tập múa. Sau hai năm luyện tập, các thành viên đã thuần thục các điệu múa, câu hát của dân tộc mình, tham gia giao lưu giao lưu văn hóa, văn nghệ ở các huyện Định Hóa, Phú Lương và ở tỉnh ngoài như: Quảng Ninh, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc…

Câu lạc bộ đã được Sở Văn hóa tỉnh khen thưởng trong phong trào phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Ban Dân vận Tỉnh ủy ghi nhận là mô hình dân vận khéo. Tại Đại hội đại biểu Các dân tộc thiểu số huyện Đại Từ, CLB đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên...

Ngoài những khi tập luyện để đi giao lưu, biểu diễn, định kỳ hằng tuần, các thành viên CLB tập trung tại Nhà văn hóa xóm để cùng ngân những câu hát Sấng Cọ xưa.

Bà Đỗ Thùy Dung, Phó Chủ nhiệm CLB, cho biết: Những lời ca của làn điệu Sấng Cọ rất đời thường nhưng hấp dẫn, diễn đạt tâm tư, tình cảm của người hát. Nó như thứ men say có sức lan tỏa đến người hát, người nghe, làm con người thêm yêu cuộc sống, yêu ruộng lúa, nương chè… và luôn hướng về những điều tốt đẹp. Chúng tôi tham gia CLB ngoài được giao lưu, được hát, được tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc, còn mong muốn được góp phần làm thức dậy một nét văn hóa dân tộc Sán Chay đã “ngủ quên” từ lâu ở Na Mao, góp phần phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, để thế hệ sau thêm tự hào, thêm yêu quê hương, yêu bản sắc riêng của cộng đồng người Sán Chay.