Cây giảm nghèo của người dân Hạ Sơn

Hoàng Hưng 08:27, 07/03/2023

Hơn 40 năm kể từ ngày di cư về xóm Hạ Sơn Dao và Hạ Sơn Tày (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai), nhiều hộ dân đã mạnh dạn đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định đời sống. Đến nay, trên vùng đất này đã hình thành Làng nghề chè Hạ Sơn. Nhờ cây chè, gần 50 hộ dân tộc Dao và dân tộc Tày ở Hạ Sơn đã thoát nghèo.

Từ cây chè, đã có tới gần 50 hộ người dân tộc Dao, dân tộc Tày thuộc Làng nghề chè Hạ Sơn thoát nghèo tính từ năm 2021 trở lại đây.
Nhờ cây chè, gần 50 hộ dân tộc Dao, dân tộc Tày thuộc Làng nghề chè Hạ Sơn đã thoát nghèo.

Làng nghề chè Hạ Sơn thuộc hai xóm Hạ Sơn Dao và Hạ Sơn Tày của xã Thần Sa, với trên 110 hộ dân tộc Dao và dân tộc Tày sinh sống. Làng nghề được hình thành từ đầu những năm 1980, khi một số người dân nơi đây xuôi dòng sông Cái, theo sông Cầu đến vùng chè Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đem giống chè trung du về trồng.

Năm nay đã 86 tuổi nhưng bà Hoàng Thị Gia, ở xóm Hạ Sơn Tày - một trong những người đầu tiên đem giống chè trung du về trồng, vẫn còn nhớ những ngày cùng chồng về tận đất Trại Cài học kỹ thuật trồng chè. Để rồi từng bao hạt chè giống được bà chuyển ngược sông Cầu về Hạ Sơn ươm trồng.

Bà Gia chia sẻ: Phải mất 5 năm sau khi gieo trồng, gia đình tôi mới được thu hái lứa chè đầu tiên trên diện tích 2 sào. Sau đó, chúng tôi lại đem chè khô về tận phố Hích, Trại Cài (Đồng Hỷ) để bán. Dù giá trị lúc đó chưa cao như bây giờ, nhưng cây chè cũng đem lại nguồn thu ổn định, giúp người dân trong xóm cải thiện đời sống.

Nhận thấy cây chè phù hợp với khí hậu, đất đai ở Hạ Sơn, đông đảo bà con trong xóm cùng bắt tay vào trồng. Diện tích chè không ngừng tăng lên từ những năm 1990 đến nay. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, người dân Làng nghề chè Hạ Sơn đã đẩy mạnh trồng mới và trồng thay thế cây chè trung du bằng các giống chè cành như: Kim Tuyên, TBR777, LDP1… cho năng suất, chất lượng và giá trị cao hơn.

Hiện nay, Làng nghề chè Hạ Sơn có khoảng 55ha chè, với trên 90 hộ tham gia sản xuất, chiếm trên 70% số hộ ở hai xóm.

Mỗi năm, gia đình chị Triệu Thị Quyên, ở xóm Hạ Sơn Dao (bên phải) có thu nhập 80 triệu đồng từ cây chè.

Với giá bán buôn khoảng 100-120 nghìn đồng/kg chè búp khô, cây chè là nguồn thu nhập chính và ổn định cho bà con hai xóm vùng cao Hạ Sơn Dao và Hạ Sơn Tày từ nhiều năm nay. Từ cây chè, đã có tới gần 50 hộ người dân tộc Dao, dân tộc Tày thoát nghèo (tính từ năm 2021 trở lại đây). Trong đó, tiêu biểu như hộ các ông: Triệu Đức Phong, Triệu Đức Dần, Triệu Đức Kim, Ma Văn Tâm…

Chị Triệu Thị Quyên, 51 tuổi, người dân tộc Dao ở xóm Hạ Sơn Dao, nói: Từ cây chè, gia đình tôi đã thoát nghèo vào năm 2018. Hiện nay, đồi chè vẫn là nguồn thu chính của gia đình, với lợi nhuận đạt khoảng 80 triệu đồng mỗi năm.

Còn ông Ma Văn Tâm, 55 tuổi, người dân tộc Tày ở xóm Hạ Sơn Tày, cho hay: Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây chè, những năm gần đây, tôi đã chuyển đổi trên một mẫu đất lúa kém hiệu quả sang trồng chè. Nhờ vậy, gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm và thoát nghèo năm 2020.

Năm 2021, UBND tỉnh ra quyết định công nhận Làng nghề chè Hạ Sơn. Điều này đã giúp nhân dân hai xóm Hạ Sơn Tày và Hạ Sơn Dao mở ra cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khích lệ bà con quan tâm hơn đến sản xuất chè an toàn. Hiện, trên 30ha chè trong xóm đã được người dân chuyển sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Xã Thần Sa cũng có kế hoạch xây dựng chè Hạ Sơn trở thành sản phẩm OCOP của địa phương trong những năm tới đây.

Ông Trần Văn Đằng, Trưởng xóm Hạ Sơn Tày, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè Hạ Sơn, đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới chè tự động để giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo ông Trần Văn Đằng, Trưởng xóm Hạ Sơn Tày, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè Hạ Sơn: Những năm gần đây, bà con ở Làng nghề chè Hạ Sơn được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền tại cơ sở. Qua đó, sản phẩm chè của người dân trong Làng nghề đã đạt được những tiêu chuẩn đặc trưng của sản phẩm chè Thái Nguyên. Do vậy, đầu ra cho sản phẩm chè rất thuận lợi. Hầu hết thành phẩm của bà con Làng nghề đều được tư thương thu mua tại nhà với giá ổn định từ 100-120 nghìn đồng/kg. Nếu so về lợi ích kinh tế, mỗi héc-ta chè có thể cho thu nhập cao hơn 3 lần so với trồng lúa và có thể đạt lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/ha/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Làng nghề chè Hạ Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi cho cây chè phát triển như: hệ thống đất canh tác chủ yếu là đất đỏ vàng trên phiến thạch sét, thành phần là đất thịt; khí hậu nóng ẩm với mùa mưa kéo dài; nguồn tài nguyên nước sạch, mát tại sông Cái và trong các khe rạch… Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên diện tích trồng chè của Hạ Sơn còn nhỏ; năng suất, sản lượng còn chưa cao; giá bán sản phẩm còn thấp so với một số địa phương lân cận.

Trao đổi với chúng tôi về định hướng của địa phương, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thần Sa, cho biết: Chúng tôi xác định chè là cây thế mạnh của Làng nghề chè Hạ Sơn và định hướng bà con phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường vận động người dân mở rộng diện tích trồng chè với mục tiêu đạt 70ha và thay thế hoàn toàn giống chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Xã cũng sẽ đề xuất với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ Làng nghề chè Hạ Sơn thực hiện các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…