Vùng cao Văn Lăng "mở lối" thoát nghèo

Minh Phương 08:21, 01/08/2023

Văn Lăng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ. Xã có 13 xóm bản với trên 1.300 hộ dân, hơn 6.100 nhân khẩu. Trong đó, tỷ lệ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78%; hộ nghèo, cận nghèo chiếm 62,6%. Xác định công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con vươn lên.

Mô hình trồng chè cành theo hướng VietGAP của gia đình chị Hầu Thị Vui, xóm Tân Thịnh, xã Văn Lăng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm được nhân rộng trong Hội Phụ nữ địa phương
Mô hình trồng chè cành theo hướng VietGAP của gia đình chị Hầu Thị Vui, ở xóm Tân Thịnh, xã Văn Lăng, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Thay vì hỗ trợ con giống trực tiếp cho các hộ phát triển kinh tế theo phương thức nhỏ lẻ như trước đây, tháng 9/2022, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh đã phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup) triển khai Dự án "Hợp tác xã (HTX) liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững" tại xóm Tân Lập, xã Văn Lăng. Thực hiện Dự án, tổng đàn bò được hỗ trợ cho vay là 50 con, trong đó có 25 con bò cái nền sinh sản và 25 con bò 3B thương phẩm, trị giá 1 tỷ đồng.

Sau khi được hỗ trợ cho vay con giống, HTX đã liên kết và thu hút khoảng 25 thành viên là các hộ nghèo tham gia lao động, chăm sóc và cung cấp cỏ cho đàn bò. Lao động làm việc tại HTX sẽ được trả công theo ngày, ở mức 200.000 đồng/người. Đồng thời, những hộ nghèo này sẽ cung ứng cỏ cho HTX để làm nguồn thức ăn cho bò.

Theo chị Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX bò Mông số 11: So với việc hỗ trợ con giống trực tiếp cho bà con, hình thức kết nối giữa HTX và các thành viên đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho hộ nghèo ngay từ ban đầu.

Bà Trần Thị Thái, thành viên HTX bò Mông số 11, cho hay: Hiện, gia đình tôi đang có hơn 4 sào cỏ voi bán cho HTX, với giá 8.000 đồng/kg. Theo đó, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi thu nhập 6 triệu đồng.

Ngoài tham gia lao động nâng cao thu nhập cho gia đình, bà Thái còn giới thiệu cho nhiều bà con tại địa phương có việc làm tại HTX, trong đó ưu tiên những lao động thuộc hộ nghèo.

Không riêng lĩnh vực chăn nuôi, đồng bào dân tộc thiểu số ở Văn Lăng còn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đồng bào đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; trồng các loại  cây có giá trị kinh tế cao; xây dựng mô hình trang trại tổng hợp; trồng cây ăn quả...

Những sự thay đổi này đã góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn, giúp các hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Thị Sen, sinh năm 1985, dân tộc Tày, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Tam Va. Vợ chồng chị sinh được 3 người con, trong đó 1 cháu bị khuyết tật bẩm sinh phải có người chăm sóc thường xuyên. Gia cảnh khó khăn, chồng đi làm thuê thu nhập bấp bênh, kinh tế chỉ trông vào mấy sào chè giống cũ.

Năm 2016, chị Sen vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng rừng và khai phá đất đồi, mua cây giống, vật tư phân bón để trồng chè cành giống mới theo quy trình VietGAP. Nhờ nguồn thu ổn định từ đồi chè và rừng, đến năm 2021, gia đình chị đã thoát nghèo.

Ông Trương Công Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, cho biết: Văn Lăng đang tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt là các dự án về phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đa dạng hoá sinh kế, mô hình giảm nghèo... Từ đó, hướng tới hỗ trợ theo phương thức phát triển sản xuất ở cộng đồng dân cư và nhu cầu phát triển sản xuất do cộng đồng dân cư đề xuất. Mục tiêu của chúng tôi là phấn đấu xây dựng xã Văn Lăng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, từ năm 2021 đến nay, Văn Lăng đã tập trung huy động mọi nguồn lực, với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó nhân dân đóng góp trên 2 tỷ đồng, hơn 1.500 ngày công lao động và hiến 11.000m2 đất. Xã đã làm mới được 24km đường giao thông, xây mới 8 nhà văn hóa và sửa chữa 4 nhà văn hóa xóm; xây dựng cơ sở vật chất 2 trường học đạt chuẩn quốc gia; đầu tư, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Tính đến hết năm 2022, trong xã có 304 hộ thoát nghèo...


Từ khóa:

thoát nghèo

giảm nghèo

vùng cao