Nhằm giúp người dân vùng khó “an cư lạc nghiệp”, từ năm 2022 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các dự án ổn định dân cư tập trung, nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Các dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bà con các DTTS còn nhiều khó khăn ở miền núi, vùng cao.
Hiện nay, Khu tái định cư di dân khẩn cấp vùng thiên tai, sạt lở đất và có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét tại xã Linh Thông (Định Hóa) đã có nhiều hộ đến ở. Ảnh: T.L |
Chúng tôi đến Bản Tèn (xã Văn Lăng, Đồng Hỷ) vào một ngày tháng 5 đầy nắng. Từ ngày con đường lên bản được mở rộng, cứng hóa, việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân nơi đây thuận lợi hơn trước rất nhiều. Dẫu vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn rất trăn trở khi còn tới 30 trong tổng số trên 140 hộ dân ở đây dựng nhà tại các vị trí cheo leo, hiểm trở, ngay cạnh khe nước, có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão.
Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, cho biết: Mỗi khi mùa mưa tới, chúng tôi vô cùng lo lắng cho tính mạng, tài sản của bà con. Do thiếu quỹ đất cũng như hạn chế về kinh phí nên nhiều năm trước huyện chưa thể bố trí nguồn lực để sắp xếp chỗ ở ổn định cho bà con. Từ năm 2022, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Bản Tèn được đầu tư dự án ổn định dân cư tập trung đã giúp chính quyền địa phương an lòng hơn. Điều chúng tôi mong muốn dự án sớm hoàn thành, người dân được chuyển về nơi ở mới, không còn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, để yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Bản Tèn là 1 trong 3 xóm, bản vùng cao của tỉnh được đầu tư dự án ổn định dân cư tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện các dự án này trên 78,6 tỷ đồng. Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Thái Nguyên đã, đang tập trung xây dựng 3 dự án, trong đó huyện Võ Nhai có dự án ổn định dân cư tập trung xóm Tân Kim, xã Thần Sa. Đây là bản người Dao, bà con làm nhà ngay khe suối, hằng ngày vẫn lấy khe suối làm đường đi. Mỗi khi mùa mưa tới, nước từ thượng nguồn đổ về có thể gây nguy hiểm cho nhà cửa, tính mạng của người dân. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư 2 dự án nữa là ổn định chỗ ở cho 30 hộ dân ở Bản Tèn và 35 hộ ở xóm Liên Phương, xã Văn Lăng.
Do thiếu quỹ đất, nhiều hộ người dân tộc Mông ở xóm Liên Phương, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), phải làm nhà ngay cạnh khe suối, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trong mùa mưa lũ. |
Nỗ lực để dự án được triển khai, nhanh chóng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhằm ổn định chỗ ở cho người dân vùng khó, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo đó, UBND huyện Võ Nhai đã rà soát đối tượng để xây dựng dự án, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/500 xin ý kiến các sở, ngành và đã thực hiện triển khai xây dựng báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Dự án này đã được quy hoạch với diện tích 10ha, phục vụ chỗ ở cho trên 80 hộ dân. Khi dự án hoàn thành, bà con sẽ nhanh chóng di chuyển về nơi ở mới nhằm tránh nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét...
UBND huyện Đồng Hỷ đã rà soát đối tượng để xây dựng dự án, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/500; đã phê duyệt Quy hoạch chung xã Văn Lăng và phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu tái định cư tập trung. Đến thời điểm này, 2 dự án đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trong đó, huyện đã bố trí 1,4ha làm khu tái định cư để các hộ dân sống ở vùng nguy hiểm của Bản Tèn nhanh chóng được chuyển về nơi ở mới.
Do thiếu đất, một hộ người dân tộc Mông ở Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), phải làm nhà tại một vị trí khá hiểm trở. |
Thực tế cho thấy, Thái Nguyên đã triển khai khá hiệu quả Dự án ổn định dân cư tập trung theo Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Chính phủ khi lựa chọn đúng địa bàn, đúng đối tượng. Tuy nhiên, các địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh vẫn còn không ít hộ dân sống rải rác ở vùng nguy hiểm, dễ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Bởi vậy, thời gian tới, nhất là vào thời điểm mùa mưa bão đã đến gần như hiện nay, tỉnh yêu cầu các địa phương xác định các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng của dự án, sống ở những nơi có nguy cơ sạt lở để tổ chức quy hoạch, xây dựng khu tái định cư nhỏ lẻ bố trí đất ở, từng bước ổn định dân cư tập trung.
Đối với các hộ dân đang định cư trong các khu vực có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không thể quy hoạch đất ở, tỉnh yêu cầu các địa phương tổng hợp chính xác đối tượng để quản lý. Đồng thời quy hoạch để xây dựng các khu dân cư nhỏ lẻ phù hợp từng bước ổn định dân cư vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Cũng với những yêu cầu đã đặt ra, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn kịp thời nắm bắt về quan điểm, chủ trương đầu tư, hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình cũng cần được các địa phương quan tâm. Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng nên tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các chủ dự án, chủ đầu tư dự án, các xã thực hiện Chương trình triển khai đầu tư, hỗ trợ hiệu quả, đảm bảo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, kịp thời giải ngân nguồn vốn theo đúng kế hoạch...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin