Là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, Đồng Hỷ có 15 xã, thị trấn, trong đó có 1 xã đặc biệt khó khăn và 4 xã ATK. Với dân số trên 94 nghìn người, hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 54,4%. Giai đoạn 2019-2024, huyện Đồng Hỷ đã phát huy hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, đồng thời huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở vùng đồng bào DTTS, miền núi và thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc…
Nhằm triển khai chính sách dân tộc hiệu quả, lãnh đạo huyện Đồng Hỷ thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các địa bàn khó khăn và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân. |
Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một trong những chương trình được triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Từ nguồn vốn của Chương trình (hơn 23,2 tỷ đồng), năm 2019 và 2020, huyện đã đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã ATK xây mới, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế; nhân rộng mô hình giảm nghèo; tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở… Qua đó đã hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Theo đó, hằng năm, địa phương đều tổ chức rà soát, bình chọn và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với 92 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Từ đó tạo động lực để người có uy tín phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và các chương trình phát triển KT-XH của địa phương, xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Đồng thời khẳng định được vai trò, trách nhiệm trong công tác giữ gìn an ninh chính trị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; tham gia phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững...
Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ thăm, động viên gia đình người dân tộc Mông phát triển kinh tế giỏi ở xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn. |
Đối với chính sách về y tế, hằng năm, huyện thực hiện rà soát, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), tổ chức khám chữa bệnh kịp thời đối với đồng bào DTTS nghèo, ở vùng khó khăn. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 55 nghìn lượt người DTTS được cấp thẻ bảo BHYT; khám, chữa bệnh miễn phí với kinh phí Nhà nước hỗ trợ là trên 35,3 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng là người DTTS theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ là hơn 1,4 tỷ đồng, với gần 8.000 người được hưởng lợi.
Chính sách dành cho giáo dục - đào tạo cũng được huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả khi sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là với học sinh DTTS trên địa bàn luôn được triển khai đầy đủ, kịp thời (chính sách dành cho học sinh bán trú, học sinh DTTS, học sinh DTTS rất ít người).
Trong 5 năm qua, đã có 41.159 lượt học sinh người DTTS trên địa bàn được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 47,5 tỷ đồng. Chính sách đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú cũng được thực hiện hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ trẻ DTTS từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 93%; tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,9%; tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%.
Có thể khẳng định, thời gian qua, các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc tiếp tục được huyện cụ thể hóa, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả. Đồng bào các dân tộc chung sống hòa thuận, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Điểm trường Bản Tèn (xã Văn Lăng, Đồng Hỷ) được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng. |
Theo đó, đồng bào đã chủ động khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và các chương trình, chính sách phát triển KT-XH của địa phương… góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Nhờ đó, tình hình KT-XH trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng từng bước được xây dựng theo hướng đồng bộ khi 100% xóm, tổ dân phố có điện lưới quốc gia; 100% đường đến trung tâm các xã, thị trấn được cứng hóa; 142/143 xóm có nhà văn hóa, trong đó gần 81% nhà văn hóa đạt chuẩn; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trường đạt chuẩn quốc gia.
Đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện, nâng cao. Trong 2 năm (2022, 2023), huyện đã giảm 998 hộ nghèo đa chiều là người DTTS; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là người DTTS hiện này giảm còn 15,71%.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường. Đáng nói, việc thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được đẩy mạnh; công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng cụ thể, gần dân, sát dân và nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ...
Thực tế cho thấy, việc thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần giữ vững tình hình KT-XH, an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, không xảy ra những điểm nóng phức tạp trên địa bàn huyện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin