Đầu tư hạ tầng thiết yếu cho vùng khó

Tùng Lâm 10:40, 22/04/2024

Thái Nguyên có 177 xã, phường, thị trấn thì có tới hơn 120 xã miền núi, vùng cao. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua, các xã miền núi, vùng cao của tỉnh được đầu tư nhiều nguồn lực xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Đến nay đã có 100% xã miền núi, vùng cao có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% xóm có điện lưới quốc gia; 100% xã có trường học, trạm y tế kiên cố; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện...

Các công trình điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư xây dựng ở xã vùng cao Thượng Nung (Võ Nhai), góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Ảnh: H.C
Các công trình điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư xây dựng ở xã vùng cao Thượng Nung (Võ Nhai), góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Ảnh: H.C

Một ngày tháng 4 đầy nắng, theo con đường bê tông uốn lượn, chúng tôi lên khu dân cư người Mông Đồng Ươm, xã Dân Tiến (Võ Nhai). Từng là địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh, hôm nay, Đồng Ươm đã rất nhiều đổi khác khi đường được cứng hóa, điện lưới quốc gia được kéo về từng hộ dân. Chị Hoàng Thị Mường, một người dân, chia sẻ: Có đường bê tông, có điện, chúng mình vui lắm! Bọn trẻ đến lớp thuận tiện hơn. Nuôi được con trâu, con bò là có người về tận nơi mua… nên đời sống cũng bớt khổ rồi.

Không riêng Đồng Ươm, người dân bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), cũng rất phấn khởi khi hơn 10 năm nay, nơi này liên tục được đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học, kéo điện lưới quốc gia. Đặc biệt, sau hơn 1 năm thi công, thêm 2,3km đường vào bản đã hoàn thành với số vốn đầu tư 11,8 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), ngân sách tỉnh, huyện…  giúp cho người dân đi lại thuận lợi hơn.

Tương tự, tại nhiều xóm, bản ở địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh cũng đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đơn cử, tại huyện vùng cao Võ Nhai, chỉ sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN của Chính phủ, đã và đang triển khai được 40 công trình. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn; kênh mương thủy lợi; chợ xã; trạm y tế; trường học; nhà văn hóa; sân thể thao.

Hay như huyện miền núi Định Hóa cũng đã triển khai 37 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống trong vùng đồng bào DTTS và MN… Bà Trần Thị Bính,Trưởng Phòng Dân tộc huyện Định Hóa, cho hay: Địa bàn đầu tư các công trình tập trung tại 13 xã. Cụ thể là những xã khu vực III, xã có xóm đặc biệt khó khăn, xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 đối với công trình chuyển tiếp, chưa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 đối với công trình khởi công mới và chưa hoàn thành Chương trình 135 trong giai đoạn trước.

Được sự quan tâm của Nhà nước và đóng góp của nhân dân địa phương, con đường vào xóm Cao Lầm (xã Phú Thượng, Võ Nhai) đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của bà con.
Được sự quan tâm của Nhà nước và đóng góp của nhân dân địa phương, con đường vào xóm Cao Lầm (xã Phú Thượng, Võ Nhai) đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của bà con.

Có thể khẳng định, với nhiều nỗ lực của các cấp, ngành chức năng từ tỉnh, huyện đến xã, đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng DTTS của tỉnh đã có những đổi thay tích cực. Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thông tin: Năm 2023, từ thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, đã có gần 100 công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng tại các địa bàn vùng khó với số vốn đầu tư xấp xỉ 100 tỷ đồng. Theo đó, những công trình đã hoàn thành đều phát huy hiệu quả. Hiện nay, hàng chục công trình đang tiếp tục được đầu tư xây mới, góp phần làm thay đổi diện mạo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng khó.

Để đạt được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh còn có sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng trong việc triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng cao. Trong đó phải kế đến việc triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN của Chính phủ tại các địa phương.

Các dự án được đầu tư xây dựng đều tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp với nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Đặc biệt, các cấp, ngành đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân để bà con tích cực hưởng ứng các chương trình, dự án, sẵn sàng góp công, của khi được vận động tham gia.

Với mục tiêu đổi thay diện mạo, cải thiện cuộc sống người dân miền núi, vùng cao, vùng DTTS, thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục gia tăng đầu tư nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Phát huy tối đa sự tích cực, chủ động của người dân - đối tượng được thụ hưởng chính sách. Nhất là việc tranh thủ, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới… ở địa bàn miền núi, vùng cao.