Mong có một phép màu

14:30, 24/05/2021

Ở xóm Thẩm Rộc, xã Bình Yên (Định Hóa) khi nhắc đến hoàn cảnh của anh Ma Khắc Đề (sinh năm 1980), nạn nhân chất độc da cam nhiều người bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ. Căn bệnh suy thận kéo dài nhiều năm nay đã khiến bố con anh rơi vào cảnh nghèo túng. Anh bảo, nếu có một điều ước, tôi chỉ ước mình có sức khỏe bình thường như bao người khác để lao động kiếm tiền nuôi con ăn học.

Chúng tôi tới thăm anh Ma Khắc Đề khi anh đang khăn gói chuẩn bị xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chạy thận. Người đàn ông nhỏ thó, có khuôn mặt phúc hậu và những nốt cầu thận nổi cục ở cánh tay không giấu nổi xúc động: Tôi bị mắc bệnh thận từ lúc 13 tuổi nhưng nhà nghèo không có điều kiện khám, điều trị bệnh. Đến năm 2018, tôi hết sức bàng hoàng khi được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Sau một thời gian nằm viện điều trị tôi đã xin về nhà do hoàn cảnh, điều kiện kinh tế quá khó khăn. Hiện tại để duy trì sức khỏe, đều đặn mỗi tuần 3 lần, tôi bắt xe xuống Bệnh viện chạy thận.

Được biết, anh Đề là con thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em. Bố anh là ông Ma Khắc Ẩm - nạn nhân chất độc da cam (đã mất năm 2008), từng tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Miền Nam - Tây Nguyên. Trong 4 anh, chị em, anh Đề là người chịu ảnh hưởng nặng nhất do di chứng chất độc da cam từ bố. Lúc nhỏ anh đã thường xuyên ốm yếu, dặt dẹo, lớn lên cuộc sống của anh gắn với những chuỗi ngày trong bệnh viện. Anh từng có mái ấm gia đình như bao người khác. Nhưng rồi không chấp nhận được khó khăn, vợ anh đã bỏ đi biệt tích khi đứa con mới 2 tuổi, khiến anh rơi vào cảnh gà trống nuôi con.

Trong ngôi nhà đại đoàn kết mới được các nhà hảo tâm và địa phương xây dựng năm 2020, mẹ anh là bà Nông Thị Cần nhà kế bên bùi ngùi: Sinh con ra ai cũng mong muốn con mình được khỏe mạnh, tự lo được cho bản thân và gia đình. Thế nhưng ở hoàn cảnh như con trai tôi giờ đến thở, đi lại còn khó nhọc nên không làm được gì. Tôi năm nay 70 tuổi, sức khỏe ngày một suy yếu. Thương con bệnh tật hành hạ, cháu nội mồ côi mẹ từ sớm tôi cũng chỉ biết động viên, đỡ đần bố con nó bữa ăn rau cháo qua ngày.

Hiện, anh Đề được hưởng nguồn trợ cấp 900.000 đồng/tháng dành cho nạn nhân gián tiếp nhiễm chất độc hóa học. Với số tiền ít ỏi đó, mỗi tháng tằn tiện lắm cũng chỉ đủ để anh đi lại, mua thuốc men sau mỗi lần chạy thận. Vì vậy, việc sinh hoạt hàng ngày của hai bố con đang gặp nhiều khó khăn. Theo các bác sĩ, với những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối như anh Đề, thì lọc máu (chạy thận) chỉ là biện pháp cầm cự, duy trì cuộc sống trong khoảng vài năm. Giải pháp tốt nhất cho các bệnh nhân ở giai đoạn này là ghép thận song kinh phí cho mỗi ca ghép thận khá lớn, khoảng 300-500 triệu đồng.

Mỗi lần nhìn cậu con trai, bé Ma Khắc Sang, học lớp 4, ngoan ngoãn, biết giúp bố những việc nhỏ trong nhà, anh Đề lại thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật, chăm lo cho bản thân cũng như con trai mình. Chúng tôi tin 'phép màu" sẽ đến nếu bố con anh Đề nhận được sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Trước mắt là hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm duy trì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày; lớn hơn là hỗ trợ kinh phí ghép thận để bố con anh Đề vơi bớt phần khó khăn.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về theo địa chỉ anh Ma Khắc Đề, xóm Thẩm Rộc, xã Bình Yên. Điện thoại: 0369125880. Hoặc ông Ma Công Luyện, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Bình Yên (Định Hóa) -  điện thoại: 0368106066.