Đào tạo nghề theo nhu cầu và lợi thế

Lê Hoàn (Đại học Khoa học Thái Nguyên) 10:09, 28/01/2023

Trang bị kiến thức và chuyển giao kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng khu vực - đây là phương pháp đào tạo nghề cho nông dân đang được nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng hiệu quả.

Nhờ kiến thức từ chương trình đào tạo nghề, người dân xã Định Biên (Định Hóa) tự sửa chữa máy móc nông nghiệp cho gia đình và bà con địa phương. Ảnh: T.L
Nhờ kiến thức từ chương trình đào tạo nghề, người dân xã Định Biên (Định Hóa) có thể tự sửa chữa máy móc nông nghiệp cho gia đình và bà con địa phương. Ảnh: T.L

Năm 2018, sau khi tham gia khóa học về kỹ thuật chăn nuôi gia súc do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Võ Nhai tổ chức, anh Phan Văn Cẩn (ở xóm Đồng Bản, xã Bình Long) đã chuyển sang nuôi dê theo hướng bán chăn thả, với tổng đàn thường xuyên duy trì gần 50 con. Với kỹ thuật chăn nuôi áp dụng từ khóa học, đàn dê của gia đình anh Cẩn luôn phát triển khỏe mạnh.

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, mỗi năm gia đình anh Cẩn bán ra thị trường 15-20 con dê thịt và dê giống, cho thu nhập ổn định 65-70 triệu đồng. Từ mô hình nuôi dê thành công của gia đình anh Cẩn, đến nay, cả xóm Đồng Bản đã có 30 hộ chăn nuôi dê, với tổng đàn khoảng 500 con, cho tổng thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bà Mông Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Võ Nhai, cho biết: Toàn huyện hiện có trên 51.664 người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động. Đến nay, 19.418 người có việc làm đã qua đào tạo; số người có nhu cầu học nghề đến năm 2025 là khoảng 5.000 người. Dựa trên quy hoạch phát triển của địa phương, cùng với kết quả khảo sát nhu cầu của người lao động, thời gian qua, chúng tôi đã lên kế hoạch đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho bà con. Nhờ đó, sau khóa đào tạo, hầu hết người học có thể áp dụng ngay vào sản xuất.

Còn tại huyện Phú Bình, hiện có khoảng 93.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm gần 60% dân số). Trong đó, lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ 72,3% (tăng 2,3% so với năm 2021); lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 30,9%. Trong năm 2022, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã liên kết tổ chức 30 lớp đào tạo các nghề: chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp, sử dụng thuốc thú y… cho trên 1.000 người lao động.

Thông qua việc đào tạo nghề, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình kinh tế khá đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Điển hình như mô hình chăn nuôi hươu sao sinh sản và lấy nhung của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Thương mại La Hiên (Võ Nhai); mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Xuân, xóm Phú, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên); mô hình chăn nuôi gia cầm của gia đình ông Nguyễn Văn Thìn, xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương)… Sau khi trừ chi phí, các mô hình trên cho thu nhập 400-700 triệu đồng/năm.

Song song với đào tạo nghề, hội Nông dân các cấp đã vận động bà con nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng biện pháp thâm canh bền vững, sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, hình thành chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm…

Đơn cử tại huyện Phú Bình, Hội Nông dân huyện đã thành lập mới một số HTX, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, thu hút nhiều hội viên tham gia, như: HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My; HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Minh Hòa; Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò xóm Trầm Hương; Tổ hội nghề nghiệp nuôi ong mật tổ dân phố Hòa Bình… Hiện, sản phẩm của các mô hình được thị trường đón nhận và mang lại giá trị ngày càng cao cho nông dân, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững.