Theo thống kê, những năm gần đây, số người trong độ tuổi lao động ở huyện Đại Từ luôn ở mức khoảng 130.000 người, chiếm gần 74% dân số địa phương. Tận dụng lợi thế nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động. Từ đó góp phần ổn định đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Nhiều lao động sau đào tạo nghề đã có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty CP Đầu tư quốc tế THAGACO, ở xã Bản Ngoại (Đại Từ). |
Ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ, cho biết: Hàng năm, chúng tôi đều tiến hành điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, sát thực tế và điều chỉnh phương án đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Đồng thời, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng lao động nông thôn vẫn đang gắn bó với nông nghiệp. Địa phương cũng phối hợp với các doanh nghiệp như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Đầu tư quốc tế THAGACO, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT… tổ chức đào tạo nghề cho lao động trước khi vào làm việc tại các doanh nghiệp,
Theo đó, giai đoạn 2016-2022, huyện Đại Từ đã phối hợp tổ chức khoảng 300 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu là các ngành nghề như: trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản chè; kỹ thuật trồng rau an toàn; sửa chữa máy móc; may mặc; điện tử; điện lạnh; hàn điện… Trong 10 năm qua, hơn 10.000 lao động nông thôn trên địa bàn đã được đào tạo nghề.
Sau các lớp đào tạo nghề, tư duy sản xuất của người dân đã có những thay đổi đáng kể, từng bước đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia tăng năng suất lao động. Đáng chú ý, mô hình đào tạo nghề trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản chè đã được nhân rộng trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng mũi nhọn của địa phương. Hay sau khi tham gia lớp học nghề may, nhiều học viên được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty may mặc trên địa bàn…
Bên cạnh việc triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hàng năm, huyện Đại Từ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm. Gần đây nhất, cuối tháng 12/2022, Đại Từ đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức Ngày hội việc làm với gần 8.000 vị trí tuyển dụng, thu hút đông đảo học sinh, người lao động tham gia tìm kiếm cơ hội.
Nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động, Đại Từ cũng đã quan tâm cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà huyện có lợi thế; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, mở rộng quy mô, gia tăng nhu cầu sử dụng lao động. Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các chương trình giải quyết việc làm cho người lao động; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với người lao động…
Với những giải pháp thiết thực, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của huyện Đại Từ đã đạt những kết quả tích cực. Riêng năm 2022, trên 3.300 người lao động trên địa bàn được giải quyết việc làm mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 73%; các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh và đào tạo được 2.750 người, tăng gần 6% so với kế hoạch năm. Đến nay, tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động tại Đại Từ đạt 95%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 5,71% (giảm 2,08% so với đầu năm 2022).
Mới đây, huyện Đại Từ đã ban hành kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2025, với mục tiêu đến năm 2025, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%; tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt trên 80% trở lên… |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin