Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có hơn 45.300 người trong độ tuổi lao động, chiếm 47,86% dân số, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Xác định giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nên hàng năm, công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề được huyện quan tâm thực hiện.
Nhờ được vay vốn giải quyết việc làm, gia đình chị Vũ Thị Hạnh, ở tổ dân phố Tướng Quân, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đã phát triển trang trại chăn nuôi gà thịt với quy mô 9.000 con/lứa, thu nhập gần 400 triệu đồng/năm. |
Với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Đồng Hỷ đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chính sách về lao động - việc làm, tạo điều kiện để người dân hiểu, tiếp cận và thực hiện tốt chính sách giải quyết việc làm...
Song song với công tác tuyên truyền, Đồng Hỷ đã huy động, tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật; chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đưa các loại cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã (HTX) gắn với xây dựng các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Kết quả, đến nay trên địa bàn huyện có nhiều HTX hoạt động có hiệu quả, giải quyết tốt vấn đề việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.
Chị Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX bò Mông số 11 xã Văn Lăng, chia sẻ: HTX được thành lập từ năm 2019, với 8 thành viên. Tháng 9/2022, chúng tôi được Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup hỗ trợ cho vay bò giống qua hình thức kết nối giữa HTX và các thành viên liên kết là hộ nghèo. Sau khi được hỗ trợ cho vay con giống, HTX đã liên kết và thu hút khoảng 25 thành viên là các hộ nghèo tham gia chăm sóc và cung cấp cỏ cho đàn bò. Sau 3 năm, từ 50 con bò được hỗ trợ vay ban đầu, trên cơ sở đàn bò sau khi sinh sản, HTX sẽ chia cho 25 hộ nghèo thành viên tham gia Dự án, mỗi hộ một con bê để phát triển sản xuất. Đây là cách tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho hộ nghèo ngay từ ban đầu.
Cùng với làm tốt các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng một phần nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo, giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Trong 2 năm (2021-2022), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Hỷ đã tổ chức 10 lớp đào tạo và liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 300 học viên tham gia; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm lưu động, với gần 1.200 người tham dự.
Riêng năm 2022, huyện đã tổ chức Ngày hội việc làm tại thị trấn Trại Cau, kết nối 20 đơn vị doanh nghiệp đến tư vấn, tuyển dụng và thu hút gần 1.500 người lao động tham gia tiếp nhận thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp. Trong năm 2023, Đồng Hỷ dự kiến phối hợp tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, để người dân được tiếp cận với cơ hội việc làm, huyện Đồng Hỷ còn thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn huyện.
Ông Trần Nhật Linh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ, cho biết: Trong 2 năm (2021-2022), đơn vị đã cho vay giải quyết việc làm với tổng doanh số đạt gần 41 tỷ đồng, số lượt hộ được vay vốn là trên 700 khách hàng. Từ nguồn vốn tín dụng này đã giúp tạo ra hàng trăm việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, giúp họ phát triển sản xuất, ổn định thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Việc thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội. Người dân có việc làm ổn định, thu nhập khá, đời sống từng bước được cải thiện, tiến tới giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững. Giai đoạn 2020-2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện giảm bình quân 2,35%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết năm 2022 đạt 60%, trong đó lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 28%. Theo kế hoạch năm 2023, huyện Đồng Hỷ phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, trong đó lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 28,5%...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin