Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Đáp ứng nhu cầu và điều kiện sản xuất

Thu Huyền 07:35, 23/05/2023

Song song với nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Đại Từ có nhiều đổi mới trong công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, đáp ứng sát nhu cầu thực tế của người dân. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đại Từ chia sẻ kiến thức về máy nông nghiệp cho học viên.
Giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đại Từ chia sẻ kiến thức về máy nông nghiệp cho học viên.

Ông Ngô Mạnh Thơ, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đại Từ, thông tin: Để công tác giáo dục, đào tạo nghề đạt hiệu quả, Trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hàng năm, Trung tâm đều phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, xu hướng học nghề của người dân, mở các lớp có ngành nghề đào tạo sát với thực tế. Chương trình giảng dạy, giáo trình đào tạo thường xuyên được đổi mới, phù hợp với nhu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động. Chính vì vậy, sau khi học xong, học viên có thể áp dụng vào sản xuất ngay tại gia đình và đi làm việc luôn trong các doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo luôn đạt trên 80%, riêng nghề may đạt 100%...

Bên cạnh đào tạo tập trung, Trung tâm tổ chức các lớp dạy nghề lưu động về tận các xóm, xã. Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị đầy đủ kiến thức theo ngành nghề đào tạo, được trực tiếp thực hành, thực tế vận dụng vào sản xuất, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm…

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Liêm, giáo viên dạy nghề tại Trung tâm, cho hay: Ngay đầu mỗi khóa học, chúng tôi đều bố trí người, phương tiện vận chuyển máy móc, trang thiết bị dạy học lên các xã, thậm chí cả những chiếc máy cày, máy gặt đập liên hoàn… có trọng lượng lớn, đảm bảo vật chất dạy và học như tại Trung tâm. Cùng với dạy lý thuyết, chúng tôi tổ chức các buổi thực hành, có khi còn cùng học viên sửa chữa máy nông nghiệp ngay tại cánh đồng khi gặp trường hợp thực tế. Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành là “chìa khóa” để học viên nhanh tiếp cận với việc làm sau đào tạo.

Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã mở 13 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng số 214 học viên. Các lớp học nghề đều dựa trên nguyện vọng của người học và điều kiện sản xuất của mỗi địa phương, như: May công nghiệp, sửa chữa máy mông nghiệp, thú y, hàn điện…

Đến nay, 11/13 lớp đã kết thúc và mang lại hiệu quả thiết thực, 100% học viên biết áp dụng kiến thức mới vào sản xuất, nhiều gia đình phát triển mô hình kinh tế hộ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, việc chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang gắn với nguyện vọng của người học là hướng đổi mới phù hợp, quyết định hiệu quả công tác đào tạo của Trung tâm.

Công tác đào tạo nghề cũng gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng đến giải quyết và duy trì việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề.

Trung tâm đã thực hiện phối hợp, ký biên bản ghi nhớ bàn giao lao động sau đào tạo nghề với Công ty CP Đầu tư quốc tế THAGACO, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT về tuyển dụng lao động sau đào tạo.

Ngoài ra, Trung tâm cũng duy trì 18 lớp liên kết đào tạo trình độ trung cấp: Điện dân dụng, công nghệ ô tô, nấu ăn, kỹ thuật máy lạnh, điện tử viễn thông… đối với các học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề tại đây.

Trong năm 2023, Trung tâm có kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên cho từ 300 lao động nông thôn trở lên. Đồng thời tiếp tục huy động tối đa nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập; mở rộng các mô hình, ngành nghề đào tạo liên kết; xây dựng mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu tiên các đối tượng học viên là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia.



Tin đăng tìm việc kế toán tại Vieclam24h xuất khẩu lao động nhật bản Tìm kiếm cơ hội việc làm trên VietnamWorks