Xuất khẩu lao động: Hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phạm Ngọc Chuẩn 07:24, 22/05/2023

Được sự hỗ trợ tích cực từ Cục Quản lý lao động và Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - TB&XH), từ nhiều năm nay công tác đưa người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài của tỉnh luôn bảo đảm an toàn, chất lượng. Ngoài tiền gửi về cho gia đình, NLĐ được tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, nâng cao tay nghề, có tác phong công nghiệp và tư duy hiện đại.

Người lao động nộp hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn Quốc tại Sở Lao động - TB&XH năm 2023.
Người lao động nộp hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn Quốc tại Sở Lao động - TB&XH năm 2023.

NLĐ ra nước ngoài làm việc đã có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong giảm nghèo. Họ chuyển về cho gia đình một lượng ngoại tệ đáng kể, đồng thời làm thay đổi nếp nghĩ, nếp làm lạc hậu sang tư duy kinh tế thị trường.

Chỉ tính trong 10 năm (2012 - 2022), trên toàn tỉnh đã có hơn 11.700 lượt người đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng lao động, trong đó tại Đài Loan hơn 5.400 người; Nhật Bản hơn 2.500 người; Malaysia hơn 900 người, còn lại là thị trường lao động tại các nước khác.

Theo khảo sát của chúng tôi, bình quân thu nhập (kể cả làm thêm) của NLĐ ở nước ngoài gửi về khoảng 1.000 USD/người/tháng. Theo đó, dòng ngoại tệ “chảy” về Thái Nguyên trong 10 năm vừa qua đạt hơn 140 triệu USD.

Từ năm 2022, dịch COVID - 19 được khống chế, thị trường lao động tại các nước trên thế giới mở cửa trở lại. Lượng NLĐ ra nước ngoài làm việc có dấu hiệu tăng, trong cả năm có 1.914 người đi làm việc tại nước ngoài, tăng hơn 1.200 người so với năm 2021. Bao gồm 793 người làm việc tại Nhật Bản, 1.005 người làm việc tại Đài Loan, 19 người đi làm việc tại Malaysia, còn lại 97 người làm việc tại Trung Quốc, Singapore, Hungary...

Năm 2023 (tính đến ngày 21-5), trên địa bàn tỉnh có 756 người đi làm việc tại nước ngoài, trong đó: 356 người làm việc tại Nhật Bản, 340 người làm việc tại Đài Loan, 60 người làm việc tại Malaysia, Trung Quốc, Saudi Arabia… Dấu hiệu xuất khẩu lao động phục hồi tích cực, chưa đầy 2 tháng của quý II năm nay đã có 463 người đi làm việc tại các nước, tăng hơn 170 người so với quý I.

Tại nước ngoài, NLĐ làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, các thị trường tiếp nhận đánh giá NLĐ Thái Nguyên có đức tính cần cù, khéo léo, lao động sáng tạo, có khả năng nắm bắt nhanh công việc và đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động.

Người lao động tham khảo thị trường việc làm ngoài nước tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Người lao động tham khảo thị trường việc làm ngoài nước tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ ra nước ngoài làm việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiêm túc thẩm định hồ sơ và giới thiệu cho doanh nghiệp có đủ điều kiện về các địa phương để tuyển chọn lao động. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan tới NLĐ ra nước ngoài làm việc.

Với các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu nghiêm túc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ. Chỉ những lao động đã tham gia đầy đủ khóa học và có bài kiểm tra cuối khóa đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết, khi đó NLĐ mới đủ điều kiện làm thủ tục xuất cảnh.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho NLĐ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc, các sở, ngành liên quan của tỉnh đã tăng cường phối hợp, tạo thuận lợi cho NLĐ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hướng dẫn NLĐ làm thủ tục, hồ sơ vay vốn.

NLĐ dân tộc thiểu số, NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được tỉnh hỗ trợ tiền học nghề, học ngoại ngữ, trang bị kiến thức văn hóa, kỹ năng ứng xử tại nước tiếp nhận, tiền ăn trong thời gian thực tế học và chi phí đi lại. Nhiều doanh nghiệp chủ động hỗ trợ các chi phí làm thủ tục hộ chiếu, visa, khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp cho NLĐ trước khi xuất cảnh ra ngoài nước làm việc.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài, cùng sự quan tâm của Nhà nước về cơ chế, chính sách là sự phối hợp, gắn kết tích cực giữa cơ sở giáo dục - đào tạo nghề và doanh nghiệp tham gia đưa lao động ra nước ngoài làm việc.

Theo đó, doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin về thị trường lao động ngoài nước, đặc biệt là thị trường mang lại thu nhập cao cho NLĐ với đơn vị giáo dục - đào tạo nghề. Từ đó, cơ sở giáo dục - đào tạo nghề xây dựng được chương trình tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, kế hoạch tuyển sinh, có giáo án đào tạo phù hợp. Trang bị cho NLĐ đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm việc cơ bản, để  ngay khi ra nước ngoài có thể làm việc ở môi trường chuyên nghiệp.

Hiện mục tiêu đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc không còn đơn thuần là xóa giảm nghèo, mà mục đích hướng tới là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. NLĐ đi để học hỏi, thu thập thông tin, tích lũy kinh nghiệm và tạo vốn khởi nghiệp khi trở về.