An toàn lao động (ATLĐ) không chỉ là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ), mà còn được coi là nét đẹp văn hóa của doanh nghiệp. Qua đó khuyến khích người lao động nêu cao ý thức tự bảo vệ mình trong quá trình sản xuất. Nhất là ở thời đại kinh tế thế giới hội nhập, văn hóa ATLĐ được các doanh nghiệp coi là một trong những giải pháp quan trọng xây dựng thương hiệu.
Đoàn kiểm tra liên ngành (Hội đồng An toàn - Vệ sinh lao động tỉnh) kiểm tra Công ty TNHH Công nghệ tấm lát sàn Ausda (TP. Phổ Yên). |
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - TB&XH, Chủ tịch Hội đồng An toàn - Vệ sinh lao động tỉnh: Tổ chức các hoạt động phòng ngừa hiệu quả tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chính là thái độ ứng xử có văn hóa của doanh nghiệp. Để thực hiện hết trách nhiệm, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các nội dung yêu cầu NLĐ trong đơn vị phải chấp hành nghiêm túc, như “Sản xuất phải an toàn”; đồng thời tuyên truyên, vận động NLĐ nêu cao ý thức, tác phong làm việc an toàn.
Chuyện xây dựng cơ quan văn hóa, doanh nghiệp văn hóa, ông Lưu Đình Phú, phụ trách công tác ATLĐ Công ty CP Kết cấu thép số 5 (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Công ty có 120 lao động, sản phẩm là gia công kết cấu thép xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng. Hằng ngày, trong giờ làm việc, cán bộ, kỹ sư và NLĐ thường xuyên tiếp cận, nâng - hạ những khối thép lớn bằng các máy móc, chỉ sơ suất là có thể dẫn đến tai nạn. Chính vì thế, đơn vị luôn coi trọng công tác ATLĐ. Giản đơn như trong giờ làm việc, NLĐ phải mang đầy đủ bảo hộ mới được vào vị trí làm việc.
Người lao động của Công ty CP Kết cấu thép số 5 (TP. Thái Nguyên) coi việc chấp hành các quy định về an toàn lao động là hành vi ứng xử có văn hóa. |
Vì lợi ích trước mắt, không ít doanh nghiệp tiết kiệm kinh phí, hạn chế đầu tư cho ATLĐ. Nhưng đó là chuyện trước đây. Hiện các doanh nghiệp đã có sự quan tâm đầy đủ hơn về công tác ATLĐ. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh coi ATLĐ là một trong các tiêu chí bình xét cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Năm 2022, bình xét thi đua trên toàn tỉnh có hơn 1.500 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chí văn hóa…
Ông Tang Guang Liang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ tấm lát sàn Ausda (TP. Phổ Yên), cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi có 71 lao động, trong đó 14 lao động là người nước ngoài. Sản phẩm là tấm lát sàn xuất khẩu sang Đức, một thị trường không chỉ yêu cầu cao về chất lượng, mà còn đòi hỏi nghiêm ngặt về quá trình sản xuất ra sản phẩm phải bảo đảm an toàn cho NLĐ. Đó là nguyên tắc văn hóa doanh nghiệp, biết tôn trọng NLĐ.
Ngoài mang lại lợi ích kinh tế, môi trường văn hóa ATLĐ còn mang lại lợi ích lớn về tinh thần cho người sử dụng lao động và NLĐ. Chính vì thế mà những năm gần đây hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, huấn luyện cho NLĐ về ATLĐ. Riêng năm 2022, trên địa bàn tỉnh có gần 88.000 NLĐ được tham gia tập huấn, huấn luyện ATLĐ, với tổng chi phí gần 3 tỷ đồng.
Tự giác, chấp hành các quy định về ATLĐ có trách nhiệm trong doanh nghiệp đang từng bước trở thành một thói quen thường nhật, được coi là hành vi ứng xử có văn hóa trong giờ làm việc của NLĐ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, cho biết: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động các đơn vị thành viên chấp hành nghiêm công tác ATLĐ. Coi việc chấp hành các quy định về ATLĐ là hành động có văn hóa, đồng thời là cơ sở để xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Công tác ATLĐ được coi trọng là biểu hiện cao nhất của văn hóa doanh nghiệp. Nếu cả người đứng đầu doanh nghiệp và NLĐ trong doanh nghiệp luôn có ý thức, nghiêm túc chấp hành mang bảo hộ lao động, cũng như mang thiết bị ATLĐ trong giờ làm việc, thì xã hội không có nước mắt rơi vì những tai nạn lao động dẫn đến chết người vì lý do chủ quan.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin