Chuyên nghiệp hóa dịch vụ cho thuê lại lao động

Nhóm P.V 17:04, 13/09/2023

Mới đây, Báo Thái Nguyên đã đăng bài viết “Nhập nhèm cho thuê lại lao động rồi nợ lương công nhân", phản ánh tình trạng Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên (có địa chỉ ở phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên) nợ lương của người lao động (NLĐ) từ tháng 7/2023 đến nay. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Sau khi đăng tải bài viết “Nhập nhèm cho thuê lại lao động rồi nợ lương công nhân”, Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên đã liên lạc và cam kết trả lương nợ của NLĐ trước ngày 20/9/2023.
Sau khi Báo Thái Nguyên đăng bài viết “Nhập nhèm cho thuê lại lao động rồi nợ lương công nhân”, Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên đã liên lạc và cam kết trả lương nợ của NLĐ trước ngày 20/9/2023. Ảnh: T.L

Nhiều ý kiến cho rằng, cho thuê lại lao động là lĩnh vực mới, khâu trung gian trong kết nối về cung - cầu lao động, cần được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, cả công tác quản lý của cơ quan chức năng và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều cần được tăng cường hơn nữa.

Doanh nghiệp cam kết khắc phục thiếu sót

Ngày 13-9, thông tin với phóng viên Báo Thái Nguyên, bà Lăng Thị Thanh Mai, Giám đốc Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên, cho biết doanh nghiệp có thiếu sót trong việc chậm trả lương tháng cho NLĐ.

Theo bà Mai, để khắc phục, Công ty đã tiến hành rà soát toàn bộ lương của NLĐ đi làm việc thông qua Công ty trong thời gian 3 tháng trở lại đây. Kết quả cho thấy có khoảng 300 công nhân thông qua đơn vị này vào làm việc tại 2 đối tác trong Khu công nghiệp Điềm Thụy. Tất cả số công nhân trên đã nhận lương tháng 6 đúng theo cam kết, còn lương tháng 7 bị chậm. Nguyên nhân là do trong thời gian chi trả lương (từ ngày 10 đến 20 hàng tháng), Công ty có một số xáo trộn về nhân sự kế toán và phát sinh nhiều đầu mối công việc nên không thể giải quyết lương cho NLĐ theo đúng định kỳ.

Hiện nay, Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên đã chi trả cơ bản lương tháng 7 cho NLĐ, số còn lại giải quyết đúng như đã cam kết với NLĐ. Những trường hợp NLĐ không đến trụ sở ký nhận lương, Công ty sẽ thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng. Cùng với đó, Công ty sẽ hoàn thiện các hồ sơ pháp lý và ký kết hợp đồng đối với NLĐ làm việc từ 1 tháng trở lên theo quy định…

Trước phản hồi trên, phóng viên Báo Thái Nguyên đã liên hệ với một số NLĐ bị chậm lương và được thông tin lại: Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên đã chủ động liên lạc và hẹn trả lương còn nợ trước ngày 20/9/2023. Những lao động chưa được thanh toán lương đồng ý với lịch hẹn chi trả từ phía Công ty.

Cùng với sự phát triển của các đơn vị, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, dịch vụ cho thuê lại lao động có vai trò kết nối giữa NLĐ ở trong, ngoài tỉnh với các doanh nghiệp.
Dịch vụ cho thuê lại lao động có vai trò kết nối giữa NLĐ với các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Giám sát, hỗ trợ để chuyên nghiệp hóa dịch vụ

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, TP. Phổ Yên và các địa phương trong tỉnh đều có đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm, hay nói cách khác là hoạt động trong lĩnh vực cung - cầu lao động. Hoạt động này thời gian qua đã có đóng góp tích cực khi kết nối giữa NLĐ ở trong, ngoài tỉnh với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Nhất là khi doanh nghiệp nhận được đơn hàng mới, có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn.

Cũng có tính chất tương tự, dịch vụ cho thuê lại lao động giúp các doanh nghiệp tiếp cận với NLĐ và ngược lại; không để gián đoạn sản xuất của doanh nghiệp hoặc NLĐ thiếu việc làm. Đặc biệt là giúp một số nhóm đối tượng (như sinh viên, học sinh đủ tuổi lao động, người trung tuổi...) đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong thời gian nghỉ hè, rảnh rỗi để có thêm thu nhập chính đáng.

Tuy vậy, qua vụ việc xảy ra tại Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên cho thấy, cho thuê lại lao động là dịch vụ còn khá mới mẻ trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, công tác quản lý, giám sát còn một số hạn chế nên đã xảy ra tranh chấp không đáng có.

Để thị trường lao động phát triển lành mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, dư luận cho rằng các ngành, đơn vị chức năng và UBND cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Từ đó vừa tăng cường giám sát, vừa hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên. 

Theo định nghĩa tại Điều 52 Bộ luật Lao động năm 2019, cho thuê lại lao động và hoạt động cho thuê lại lao động được hiểu như sau:

- Cho thuê lại lao động là việc NLĐ giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó NLĐ được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.

- Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.