Tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả điều trị bằng Methadone

17:52, 25/03/2018

Hiện nay, Thái Nguyên có trên 5.200 người nghiện. Nhằm giúp đỡ người nghiện từ bỏ ma túy, thời gian qua, tỉnh ta đã thành lập nhiều cơ sở điều trị và cấp phát Methadone.

Đến nay, toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị và 13 cơ sở cấp phát thuốc với hơn 2.400 người đang điều trị. Trong đó, ngành Y tế có 6 cơ sở điều trị và 9 cơ sở cấp phát thuốc, quản lý và  điều trị gần 2.100 bệnh nhân. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội có 2 cơ sở điều trị và 3 cơ sở cấp phát thuốc, quản lý và  điều trị 360 bệnh nhân. Trại giam Phú Sơn 4 (Tổng cục VIII, Bộ Công an), duy trì 1 cơ sở cấp phát thuốc. Các cơ sở này đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Thực tế cho thấy, điều trị bằng Methadone có rất nhiều ưu điểm. Cụ thể là, giúp người nghiện dùng một lần sẽ duy trì trạng thái ổn định cả ngày, không tăng liều, chi phí thấp khoảng (15 nghìn đồng/ngày). Hơn nữa, do sử dụng dạng uống nên Methadone góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, viêm gan do tiêm chích ma túy, giảm tái nghiện và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh. Bà Nguyễn Thị Thơ, nhân viên của Trung tâm Y tế huyện Đại Từ - người trực tiếp phát thuốc cho bệnh nhân nói: Hầu hết bệnh nhân khi mới đến đây đều trong tình trạng suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, chỉ qua khoảng nửa năm điều trị, số bệnh nhân đang dùng liều duy trì đã từ bỏ được heroin, tình trạng sức khỏe biến chuyển tốt, đa số đã tăng cân, tinh thần vui vẻ và tin tưởng vào khả năng bỏ heroin. Đúng như chia sẻ của bà Thơ, nhiều bệnh nhân sau một thời gian điều trị đã có những chuyển biến rất tích cực. Anh B.V.T ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) là một ví dụ. Khi còn sử dụng ma túy, anh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không muốn lao động nhưng sau khi điều trị Methadone, sức khỏe của anh được cải thiện, tinh thần cũng phấn chấn hơn. Hiện, anh đã không còn thèm thuốc phiện và có thể đi làm thuê kiếm tiền nuôi bản thân.

Điều trị cho người nghiện ma túy bằng Methadone đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Tuy nhiên, một trong những trở ngại hiện nay là ở không ít xã, phường của tỉnh, cán bộ và người dân vẫn chưa hiểu rõ về điều trị Methadone. Họ còn e ngại khi có chương trình triển khai ở địa phương. Vì vậy, nhiều gia đình có người thân nghiện ma túy và cả người nghiện ma túy vẫn chưa có sự đồng thuận, nhất trí cao trong phối hợp triển khai. Đặc biệt là số bệnh nhân bỏ điều trị đang chiếm khá cao. Từ tháng 1-2015 đến hết năm 2017 có hơn 1.400 bệnh nhân bỏ điều trị. Nguyên nhân là do bị bắt vì vi phạm pháp luật, bị bắt vào cai nghiện tập trung, vi phạm kỷ luật cơ sở điều trị, chuyển đi tỉnh khác. Ngoài ra, có nhiều trường hợp đã tử vong. Một nguyên nhân nữa khiến bệnh nhân bỏ điều trị là nhiều người ở xa, đi lại khó khăn, không có điều kiện đến điều trị hàng ngày vì cơ sở điều trị đều đặt tại trung tâm các huyện, thành, thị; cơ sở cấp phát thuốc cũng chỉ có tại một số xã, phường. Thêm vào đó, đa số người nghiện ma túy nghề nghiệp không ổn định, di biến động tìm việc làm, trong khi đó, thời gian điều trị dài, phải đến uống thuốc hàng ngày.

Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2020, số người được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đạt 3.600 người. Những khó khăn vừa nêu trên đang là trở ngại để tỉnh ta hoàn thành được mục tiêu đã đề ra. Bởi vậy, trong thời gian tới, tỉnh phấn đấu bảo đảo mỗi huyện có ít nhất 1 cơ sở điều trị Methadone bằng việc nâng cấp 3 cơ sở cấp phát thuốc hiện có ở phường Lương Châu (T.P Sông Công), thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) và thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) thành các cơ sở điều trị. Qua đó sẽ rút ngắn thời gian đi lại cho nhiều bệnh nhân. Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở cấp phát thuốc. Dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành đủ 18 cơ sở cấp phát thuốc. Đặc biệt, ngành Y tế sẽ triển khai bệnh án điện tử theo chỉ đạo của Cục phòng, chống HIV/AIDS, bổ sung một số máy móc trang thiết bị nhằm tạo thuận lợi cho bệnh nhân và nâng cao chất lượng quản lý, điều trị cho bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân dùng thẻ, có thể uống thuốc tại bất cứ cơ sở nào thuận tiện nhất mà ngành Y tế vẫn quản lý được.

Song song với các giải pháp trên, để tăng số người nghiện ma túy điều trị bằng Methadone, góp phần giảm số người nghiện và tái nghiện trên địa bàn, thời gian tới, trung tâm y tế của các huyện, thành phố trong tỉnh cần tăng cường hoạt động phối hợp liên ngành với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa và hiệu quả của việc điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, đặc biệt là người nghiện và gia đình họ. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các y, bác sĩ và đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở điều trị...