Bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nằm trong nhóm bệnh có nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm gây nguy cơ tử vong cao như: suy hô hấp, suy tim, ung thư hoặc các bệnh lý tâm thần, trầm cảm… Tuy nhiên, nếu được kiểm soát tốt, bệnh nhân mắc nhóm bệnh này vẫn có thể duy trì cuộc sống khỏe mạnh.
Có tiền sử hút thuốc lá trên 20 năm, ông Bùi Mạnh Tuấn, 55 tuổi ở Thôn 5, xã Phú Tiến (Định Hóa) bị mắc phổi tắc nghẽn mạn tính (PTNMT) từ năm 2012. Dù đã bỏ thuốc lá khi mắc bệnh nhưng chứng bệnh này vẫn thường xuyên gây cho ông cơn khó thở, suy nhược cơ thể, mất khả năng lao động và thậm chí là cả những cơn khó thở cấp tính phải cấp cứu, điều trị tại bệnh viện mỗi năm vài ba lần. Mỗi lần như vậy, chỉ ít tháng sau bệnh lại tái phát khiến ông lại phải nhập viện. Năm 2015, ông Tuấn được giới thiệu tới điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Mỗi tháng 1 lần, ông Tuấn đến khám tại Phòng quản lý Bệnh phổi mãn tính của Bệnh viện và nhận thuốc điều trị dự phòng tái phát cơn tắc nghẽn phổi. Tuân thủ liệu trình điều trị dự phòng, đã gần 3 năm, ông Tuấn không phải nhập viện điều trị bệnh tái phát. Ông cho biết: Hiện giờ, tôi dùng thuốc dự phòng hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ nên không những không tái phát bệnh mà còn có thể phụ giúp gia đình làm ruộng, chăn nuôi.
Tương tự ông Tuấn, ông Lưu Duy Lễ, 70 tuổi ở tổ 22, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) cũng cho biết: Nhờ điều trị dự phòng mà căn bệnh PTNMT hành hạ tôi 6 năm qua hiện đã được kiểm soát tốt, tôi hầu như không còn cơn khó thở trong thời gian gần đây.
Được thành lập từ tháng 6-2013, Phòng quản lý Bệnh phổi mạn tính của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh ban đầu tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho 100 bệnh nhân mắc hen hoặc PTNMT trên địa bàn tỉnh. Hoạt động hiệu quả, đến cuối năm 2014, Phòng đã tiếp nhận gần 400 bệnh nhân và nhanh chóng phát triển lên gần 1,2 nghìn bệnh nhân điều trị ngoại trú vào đầu tháng 5-2018. Mỗi bệnh nhân trước khi tham gia điều trị ngoại trú tại Phòng quản lý Bệnh phổi mạn tính đều được khám tổng quát, đánh giá tình trạng bệnh và các nguy cơ biến chứng để có liệu trình, phác đồ điều trị phù hợp. Hằng tháng, bệnh nhân được định kỳ khám lại để đánh giá lại diễn biến của bệnh và hiệu quả của điều trị dự phòng để có những điều chỉnh cần thiết, phù hợp. Thuốc điều trị dự phòng cấp qua phòng khám cũng được cơ quan bảo hiểm y tế phê duyệt nên người bệnh hầu như không mất chi phí khi tham gia điều trị dự phòng, kiểm soát bệnh định kỳ.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Thanh Tân, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Trong số các bệnh nhân ngoại trú có sổ theo dõi tại Phòng quản lý Bệnh phổi mạn tính của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh mỗi năm có tới hàng chục bệnh nhân tử vong do tình trạng bệnh diễn tiến nặng gây biếng chứng suy tim, suy hô hấp. Riêng năm 2017, đã có 17 bệnh nhân được báo cáo đã tử vong do biến chứng của bệnh PTNMT. Chính vì thế, việc phát hiện sớm bệnh hen và PTNMT rất quan trọng. Nếu được phát hiện, can thiệp sớm, yếu tố bệnh nặng càng giảm đi, giảm nguy cơ mắc những đợt cấp làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đe dọa tính mạng người bệnh. Riêng bệnh hen, nếu được phát hiện, điều trị dự phòng tốt có thể tránh được nguy cơ chuyển thành bệnh PTNMT. Dù trên lý thuyết, bệnh tiến triển nặng theo thời gian, nhưng nếu phát hiện và điều trị sớm, người bệnh còn có thể nhận được các can thiệp khác giúp cải thiện tình trạng bệnh như: luyện tập phục hồi chức năng hô hấp, bổ sung chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể lực phù hợp…
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tân, hiện còn rất nhiều bệnh nhân mắc hen và thậm chí PTNMT không được điều trị dự phòng, kiểm soát bệnh thường xuyên. Theo thống kê của ngành Y tế, tỷ lệ người mắc hen và PTNMT trong cộng đồng từ 6% đến 8% dân số. Theo tỷ lệ này, riêng Thái Nguyên đã có tới hàng chục nghìn người mắc bệnh hen và PTNMT chưa được sàng lọc hoặc kiểm soát bệnh định kỳ. Trong khi đó, thực tế cho thấy, kiểm soát dự phòng tốt bệnh hen, PTNMT là một trong những biện pháp tối ưu nhất để giảm nguy cơ tử vong cho mỗi người bệnh. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tân cũng khuyến cáo người bệnh khi mắc các dấu hiệu cơ bản của bệnh hen, PTNMT như: khó thở khò khè kéo dài, thở rít, ho lâu ngày, đau ngực, thường xuyên mệt mỏi, hụt hơi khi vận động… cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Riêng với các bệnh nhân hen, PTNMT cần tuân thủ tuyệt đối liệu trình điều trị dự phòng định kỳ hàng ngày để kiểm soát bệnh, tránh tái phát nguy cơ diễn tiến bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.
Hen phế quản là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính, gây phù nề, tăng tiết, và co thắt cơ trơn phế quản. Bệnh biểu hiện qua những cơn khó thở thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng, nghe có tiếng khò khử khi tiếp xúc với khói thuốc, khói than, hoặc thay đổi thời tiết. Phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính do các phần tử và khí độc hại. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn đường thở kéo dài, tiến triển nặng dần theo thời gian. Phổi tắc nghẽn mạn tính có các đợt bùng phát cấp làm nặng thêm tình trạng bệnh và nguy hiểm với sức khỏe của người bệnh. |