Hướng tới một môi trường không khói thuốc lá

09:00, 31/05/2018

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó có trên 900.000 người chết do hút thuốc lá thụ động. Việt Nam nằm trong danh sách 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với tỷ lệ hút thuốc của nam giới trên 45,3%.

Như ta đã biết, khói thuốc lá là một trong những thứ độc hại nhất hành tinh, nó có chứa 7000 chất độc hoá học, 69 chất gây ung thư, chất phụ gia (Amoniắc), các-bon mô nô-xít (CO), chất Nicotin có trong một điếu thuốc lá khoảng từ 1-3mg. Người hút thuốc lá sẽ tự làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên gấp 2-3 lần, những bệnh mà họ có nguy cơ mắc cao là: xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ. Thuốc lá gây ra xấp xỉ 90% tổng số người chết vì ung thư phổi, ngoài ra còn gây ung thư ở nhiều phần khác như: họng, thanh quản, thực quản, tuyến tuỵ, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng.

Mặc dù thấy được tác hại của thuốc lá, nhưng số lượng người hút thuốc lá ở nước ta vẫn đang ở mức cao, cứ hai người đàn ông thì có một người hút thuốc.  Luật Phòng, chống tác hại của thuöëc laá (hiïåu lûåc tûâ ngaây 1/5/2013), quy định cấm hút thuốc hoàn toàn (100% không khói thuốc) tại các địa điểm công cộng… Thế nhưng, tình trạng sử dụng thuốc lá ở các địa điểm này vẫn diễn ra phổ biến, là một nguyên nhân khiến mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, dự báo đến năm 2030 con số này có thể tăng lên 70.000 người. Tại Thái Nguyên, người sử dụng các sản phẩm thuốc lá trên địa bàn chủ yếu là nam giới, nữ giới không đáng kể. Họ có nghề nghiệp đa dạng, đủ các cấp độ và ngành nghề khác nhau như nông dân, công nhân, bác sĩ, nhà giáo, kỹ sư, quân đội, người làm nghề tự do, học sinh, sinh viên... Thị trường nông thôn hiện tiêu thụ một lượng thuốc lá rất lớn, chiếm trên 60% tổng lượng thuốc lá tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù đã được triển khai tích cực qua nhiều năm, tuy nhiên đến nay, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) ở tỉnh ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL với sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể, triển khai kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm, chỉ đạo tổ chức các cuộc mít tinh, diễu hành tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, sản xuất các tài liệu truyền thông như pano, áp phích, tờ rơi, biển cấm hút thuốc lá để cấp cho các đơn vị, tổ chức các lớp tập huấn về Luật PCTHTL, kiến thức về tác hại của thuốc lá và thực hiện môi trường không khói thuốc lá. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh (Báo, Đài PT-TH tỉnh) cũng đã dành thời lượng khá lớn để tuyên truyền về PCTHTL... Mặc dù tình trạng sử dụng thuốc lá trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong đối tượng học sinh, sinh viên có giảm, nhưng số người ở nông thôn sử dụng thuốc lá vẫn còn nhiều, việc hút thuốc lá ở những nơi công cộng vẫn còn diễn ra. Nguyên nhân là do người dân vẫn chưa nắm rõ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cùng với đó là thói quen sử dụng thuốc lá hàng ngày, sự xuất hiện của thuốc lá điện tử gây ra “cơn sốt” trong đối tượng thanh, thiếu nên khó bỏ.

Trong công tác PCTHTL hiện nay, xu thế xây dựng một môi trường làm việc không khói thuốc lá đang được chú trọng và là hướng đi khá hiệu quả. Môi trường này sẽ giúp cho người không hút thuốc giảm nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc, điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám, chûäa bïånh vaâ giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá; giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá; hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc; góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự cho cán bộ, công nhân viên chức.

Để làm được điều này, các cơ quan, đơn vị cần thể hiện sự quan tâm tới sức khỏe, sự an toàn của nhân viên, đảm bảo không có hiện tượng quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá trong toàn bộ khuôn viên cơ quan, đơn vị. Có niêm yết quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có nhiều người qua lại trong cơ quan. Có treo biển báo cấm hút thuốc lá trong phòng họp, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang và các khu vực công cộng khác trong cơ quan. Không có các vật dụng liên quan đến việc hút thuốc như gạt tàn, bật lửa trong  phòng họp, phòng làm việc... Đưa nội dung không hút thuốc lá vào tiêu chí thi đua của cán bộ, công chức, viên chức.

Việc xây dựng môi trường không khói thuốc, bảo vệ mọi người khỏi việc phơi nhiễm khói thuốc thụ động đang trở thành xu thế chung, được nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị hưởng ứng. Để thực thi hiệu quả môi trường này, điều quan trọng là có được sự quan tâm ủng hộ, chỉ đạo giám sát thường xuyên của lãnh đạo, sự chấp hành nghiêm túc của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, từ đó tạo ra những chuyển biến rõ nét, thúc đẩy cộng đồng cùng chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc lá, đảm bảo sức khỏe cho chính mình và mọi người.