Ngày nay, khi công nghệ số đã và đang phát triển mạnh thì việc sử dụng Internet và mạng xã hội không còn xa lạ đối với nhiều người. Không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ số mang lại, song, trong thế giới ảo đó cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, đạo đức, lối sống của nhiều người, nhất là đối với trẻ em.
Hàng ngày, cứ đến bữa ăn, cậu con trai 4 tuổi của chị Nông Thu Huyền, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) lại dán mắt vào chiếc smartphone mới chịu cho mẹ bón ăn. Thói quen không tốt này đã hình thành từ hơn 1 năm nay. Chị Huyền thở dài cho biết: Cũng bởi trước đây cháu biếng ăn, phải dùng đủ mọi cách, bất đắc dĩ tôi mới phải dùng cách này. Giờ lại trở thành thói quen xấu cho cháu.
Ở một khía cạnh khác, mới chớm hè, tại bể bơi Quang Đạt, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) đã khá đông người lớn và trẻ em có mặt tại đây vào những buổi chiều. Chị Vũ Kiều Oanh, ở phường Quang Trung, đang hồ hởi động viên cậu con trai 11 tuổi học bơi tại đây. Chị kể: Bắt đầu kỳ nghỉ hè, chị phải đăng ký cho con theo học ngay các lớp năng khiếu, thể thao tại nhiều trung tâm. Khi có thời gian rảnh rỗi, chị đều tranh thủ vui chơi cùng con. Nếu ở nhà thì cháu lại dán mắt vào tivi hoặc chơi game online...
Có lẽ với những người như chị Oanh, đến khi nhận ra việc khó kiểm soát được con em mình tham gia các hoạt động trên mạng dẫn đến ham mê như vậy không phải là hiếm. Cuộc sống hối hả, tất bật, các bậc phụ huynh thì bận rộn với công việc nên thường cho trẻ nhỏ chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để có thể vô tư ngồi chơi, người lớn dễ quản lý. Trẻ em thì nhanh nhạy khám phá những điều mới mẻ nên dễ dàng trong việc sử dụng. Khi lớn lên một chút, các em có thể tự truy cập vào những nội dung mình thích. Tuy nhiên, việc kiểm soát các nội dung, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ khi tham gia môi trường mạng thì không phải phụ huynh nào cũng quan tâm. Có một số em lên mạng để tìm kiếm thông tin, học hỏi, mở mang kiến thức giúp ích một phần cho việc học tập. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp do thiếu kỹ năng, trẻ suốt ngày ôm điện thoại, sống trong thế giới ảo, nghiện facebook, game online… dẫn đến việc học hành sa sút, học những thói hư tật xấu trên mạng, thậm chí đã có những vụ việc đáng tiếc xảy ra ngoài đời thực.
Có thể khẳng định, cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em trên môi trường mạng cũng như trong thế giới công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề khá cấp bách hiện nay. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi thế giới từng ngày. Xã hội nói chung và trẻ em nói riêng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức: Cơ hội khai thác tiếp cận thông tin và tri thức vô tận; thách thức của việc dễ bị ảnh hưởng của thông tin không lành mạnh và nhiều nguy cơ bị bóc lột, xâm hại trong thế giới công nghệ số. Chính vì vậy, Tháng hành động vì trẻ em (tháng 6) năm nay có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” nhằm thực hiện hiệu quả quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới công nghệ số.
Để đảm bảo các hoạt động hướng về trẻ em trong Tháng hành động được diễn ra đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức các hoạt động phải đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được tham gia vào các vấn đề về trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại trong thế giới công nghệ số. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh; kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em.
Cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh, thời điểm này, Tỉnh đoàn đã triển khai kế hoạch Tháng hành động vì trẻ em với những nội dung cụ thể, thiết thûåc nhû: Tñch cực tuyên truyền về Luật Trẻ em, các nghị định, chỉ thị của Chính phủ về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại địa phương, phối hợp với gia đình và toàn thể xã hội về bảo vệ quyền lợi cho trẻ em; định hướng, giúp đỡ và khuyến khích thiếu nhi sử dụng Internet phục vụ cho nhiệm vụ học tập, vui chơi giải trí lành mạnh; tổ chức các diễn đàn trẻ em tại các địa phương; huy động nguồn lực xây dựng các điểm vui chơi cho thiếu nhi tại cộng đồng, tổ chức các sân chơi cho thiếu nhi tại các khu công viên, điểm vui chơi công cộng; phối hợp tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích...
Đồng chí Nguyễn Mỹ Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Công tác tuyên truyền, định hướng, giúp đỡ và khuyến khích thanh thiếu nhi sử dụng Internet hiệu quả, an toàn, lành mạnh được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua. Để hạn chế trẻ em tiếp xúc với công nghệ số không lành mạnh, tổ chức Đoàn đã và đang tổ chức đa dạng hoạt động vận động, vui chơi, giải trí trong dịp hè này...