Phòng, chống các rối loạn do thiếu I-ốt

07:18, 27/04/2020

Khoảng 5 năm nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện rất ít các trường hợp bị bệnh biếu cổ và các chứng bệnh do rối loạn thiếu I-ốt. Tuy nhiên, năm 2019, theo kết quả giám sát sử dụng muối tại một số hộ dân của 36 xã trong tỉnh, chỉ có 178/ 540 mẫu muối đã lấy xét nghiệm đạt tiêu chuẩn phòng bệnh (đạt 33%). Thực tế này cho thấy, nếu Thái Nguyên không tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống thì các chứng bệnh do rối loạn thiếu i-ốt rất có thể quay trở lại.

Bác sĩ Lâm Văn Tài, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay: Sự thiếu hụt I-ốt có tác hại rất lớn đối với sức khỏe của con người, là nguyên nhân gây nên các tình trạng sẩy thai, thai chết lưu, thai chết trong khi sinh, chết sau khi sinh và là nguyên nhân gây ra các bệnh lý, khuyết tật về tâm thần, bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp, chậm phát triển về trí tuệ cũng như thể lực…

Nhu cầu I-ốt hàng ngày của một người bình thường là từ 150 đến 200 mcg, còn ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần thêm 30 đến 50 mcg. Cơ thể con người không tự tổng hợp được I-ốt mà hoàn toàn phải cung cấp từ bên ngoài, chủ yếu từ lương thực, thực phẩm, một phần qua không khí. Việc bổ sung I-ốt phải thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ trong một lần, một lúc, một giai đoạn. Do lượng I-ốt ngày càng nghèo đi từ các nguồn cung cấp tự nhiên mà nhu cầu lại cần thường xuyên và liên tục nên vấn đề sử dụng muối I-ốt và các chế phẩm có I-ốt (đủ tiêu chuẩn phòng bệnh) là nguồn bổ sung I-ốt cần thiết.  Do đó, sử dụng muối I-ốt trong nấu thức ăn hằng ngày chính là cách để người dân dung nạp I-ốt hiệu quả nhất.

Qua khảo sát thực tế tại nhiều địa phương chúng tôi thấy, hiện nay, hầu hết các hộ dân, kể cả những hộ dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa; các bản làng xa xôi ở huyện Võ Nhai, Định Hóa… đều đã có ý thức sử dụng muối I-ốt để nấu ăn hàng ngày. Chị Lý Thị Sầu, người dân tộc Dao ở xóm Ba Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai) nói: Thường xuyên được cán bộ y tế thôn bản của xã tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng muối I-ốt đối với sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ em và bà mẹ mang thai nên gia đình tôi đã sử dụng muối I-ốt thường xuyên cho bữa ăn hàng ngày. Nhờ vậy, đến nay, các thành viên trong gia đình tôi không có ai bị mắc bệnh bướu cổ và mắc các chứng bệnh rối loạn do thiếu I-ốt.

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng năm qua, thông qua hoạt động giám sát và lấy mẫu xét nghiệm, vẫn còn không ít hộ dân trong tỉnh sử dụng loại muối I-ốt chưa đạt tiêu chuẩn phòng bệnh. Thực tế này đòi hỏi ngành Y tế tiếp tục tham mưu với tỉnh các giải pháp can thiệp mạnh hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng muối I-ốt trong nhân dân. Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để phòng, chống bệnh biếu cổ và các chứng bệnh liên quan đến rối loạn do thiếu I-ốt, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tỉnh tiếp tục đưa hoạt động phòng, chống các rối loạn do thiếu I-ốt vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm của Ngành và giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai các hoạt động phòng, chống các rối loạn do thiếu I-ốt. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành triển khai mọi hoạt động truyền thông, nhất là ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng và dễ tiếp cận để bà con hiểu được ích lợi của việc dùng muối I-ốt. Từ đó nâng cao ý thức hơn nữa trong việc lựa chọn các sản phẩm muối có hàm lượng I-ốt đạt tiêu chuẩn phòng, chống bệnh biếu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt…

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để phòng, chống bệnh biếu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt, bà con nên ăn các thức ăn giàu I-ốt như cá, mắm tôm, nước mắm, nhất là các thức ăn có nguồn gốc từ biển; dùng nước sạch...