Để việc chăm sóc người tâm thần được hiệu quả, nhiều năm qua, Trạm Y tế xã Ôn Lương (Phú Lương) đã phân công cán bộ phụ trách theo mảng công việc, riêng đối với mảng quản lý bệnh nhân tâm thần, cán bộ phải theo dõi cụ thể từng trường hợp, đôn đốc, nhắc nhở người nhà bệnh nhân đến Trạm lấy thuốc đúng thời gian quy định; còn với những bệnh nhân không lấy thuốc tại Trạm, cán bộ y tế xã cũng phải lập danh sách theo dõi và quản lý.
Bác sĩ Phan Trưởng Đảng, Trưởng trạm cho biết: Xã Ôn Lương đang quản lý 24 bệnh nhân tâm thần, 3 bệnh nhân động kinh, trong đó có 7 bệnh nhân đang lấy thuốc đều đặn hàng tháng tại Trạm. Việc chăm sóc người có vấn đề về sức khỏe tâm thần là công việc khó, người bệnh thường mắc chứng tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần nghiêm trọng, các rối loạn thường gây hậu quả về sức khỏe tâm thần, như: động kinh, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu… Nếu người mắc bệnh lý tâm thần được phát hiện và điều trị sớm sẽ có hiệu quả cao.
Chúng tôi cùng cán bộ Trạm đến gia đình bà Phan Thị Hương và ông Nguyễn Văn Thừa ở xóm Na Pặng, có hai cô con gái mắc bệnh tâm thần. Khó có thể tả hết nỗi đau khi nhìn những giọt nước mắt của người mẹ thương cho 2 đứa con học hành giỏi giang, không may lại mắc phải căn bệnh này. Bà Phạm Thị Hương kể: Cô chị đang học lớp 11 thì có những biểu hiện khác thường như khóc rồi đạp xe quanh xóm hát. Sau 2 năm, cô em đang học lớp 12 bỗng nói nhiều, khóc nhiều. Gia đình cho con đi Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên rồi Bệnh viện Bạch Mai khám, kết quả, cả hai đều mắc bệnh tâm thần. Gia đình đã bán đất dành tiền chữa bệnh cho con. Tuy nhiên, sau gần 2 năm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vì chi phí quá lớn (mỗi tháng riêng tiền thuốc là 6 triệu đồng) nên gia đình đã đưa các con về Bệnh viện Tâm thần của tỉnh để điều trị và lấy thuốc uống. Sau một thời gian dài được các y, bác sĩ chăm sóc, thấy bệnh tình của các con đã giảm, sức khỏe tiến triển tốt, gia đình quyết định đưa hai con về điều trị tại nhà. Hiện, cô em có phần ổn định hơn có lúc đã chia sẻ với mẹ: “Chúng con bị tâm thần, gia đình mình mang tiếng, mẹ có buồn không?” Cô chị thì vẫn đạp xe và hát quanh xóm, có lúc hoang tưởng...
Còn bà Nguyễn Thị Tươi ở xóm Khau Lai, bị bệnh từ năm 1981, do một lần bị lật xe ô tô đã ảnh hưởng đến não, đau đầu, mất ngủ, đi chơi và hát múa cả ngày. Sau 18 năm kiên trì điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh và Trung tâm Y tế huyện, giờ sức khỏe của bà Tươi đã rất tốt. Đến nay, bà Tươi đã làm được nhiều công việc bình thường như giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm…
Điều dưỡng Hoàng Thị Thảo, nhân viên Trạm Y tế xã, người được phân công phụ trách chương trình và quản lý người tâm thần cho biết: Đối với những bệnh nhân lấy thuốc điều trị tại Trạm, cán bộ phụ trách chương trình phối hợp với y tế thôn bản theo dõi tình hình sức khỏe của từng bệnh nhân, đôn đốc các gia đình đến Trạm lấy thuốc và hướng dẫn người nhà cho bệnh nhân uống thuốc đúng liều, đúng phác đồ điều trị. Nếu có bệnh nhân tái phát sẽ phối hợp cùng gia đình đưa bệnh nhân đi điều trị. Bên cạnh đó, gia đình có người bệnh chăm sóc tại nhà cần quan tâm nhiều về mặt tinh thần, không để bệnh nhân kích động, cần làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, có như vậy thì công tác khám, điều trị và chăm sóc người tâm thần mới đạt hiệu quả.