Phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong khám và điều trị là yêu cầu, đòi hỏi cần thiết với sự phát triển của xã hội cũng như nhu cầu được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của người dân. Đây cũng là nội dung quan trọng được Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Bệnh viện) tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 với mục tiêu: Thực hiện các kỹ thuật y dược chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu Bệnh viện hạng đặc biệt và chuyên sâu, tuyến cuối của khu vực miền núi phía Bắc.
72 tuổi, đến từ huyện Phú Lương, bệnh nhân Ma Thị Thơn có tiền sử nhược cơ - một dạng bệnh lý thần kinh cơ khiến tất cả cơ lực trên người không có khả năng tự vận động. Việc ho, khạc đờm và tống các chất thải tiết ra trong phổi rất khó khăn. ThS. Bác sỹ Trần Văn Học, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: Để cứu chữa bệnh nhân, chúng tôi đã thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm, tiến hành bơm rửa, lấy ra rất nhiều đờm, mủ bên trong phế quản. Nếu không được xử trí kịp thời và chính xác, bệnh nhân có thể tử vong Đây là một kỹ thuật khó và rất quan trọng, đòi hỏi bác sỹ phải được đào tạo sâu về chuyên môn, trình độ tay nghề cao.
Tại Khoa Ngoại thần kinh - Cột sống, kỹ thuật thay thân đốt sống bằng vật liệu nhân tạo (titan), cố định bằng vít và hệ thống các thanh rằng cũng đã giúp tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Lý Thị Chợ, 29 tuổi đến từ huyện Võ Nhai được cải thiện rõ rệt sau hơn một tuần điều trị. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng thắt lưng, hai chân yếu không đi lại được.
Thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản bằng dàn máy nội soi Olympus ống mềm tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Từ kết quả chụp phim, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị lao cột sống, đã phá hủy hoàn toàn hai thân đốt sống D9, D10 và bị lao phổi. BSCKII. Đồng Quang Sơn, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh - Cột sống cho biết: Kỹ thuật này đã mở ra hướng điều trị mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân bị ung thư, lao phổi… dẫn đến phá hủy thân đốt sống, gây đau nhức và ảnh hưởng đến chức năng vận động.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu được Bệnh viện triển khai và thực hiện thành công từ đầu năm 2021. Nếu như trước đây, với tình trạng bệnh hiện tại, các bệnh nhân trên sẽ phải xuống các bệnh viện lớn ở Hà Nội điều trị, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc thì nay Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã có thể thực hiện hầu hết các kỹ thuật khó và chuyên sâu, như: Nội soi lồng ngực một lỗ; ghép thận; can thiệp tim mạch; thay khớp vai nhân tạo; hạ thân nhiệt chỉ huy; lọc máu thay huyết tương hay kỹ thuật tiêu huyết khối, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học trong điều trị đột quỵ…
Xác định: Phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong khám và điều trị là yêu cầu tất yếu, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân mà còn là một trong những điều kiện tiên quyết để Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đạt các tiêu chuẩn Bệnh viện hạng đặc biệt vào năm 2021. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2015-2020, cùng với việc đầu tư hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển chuyên môn, như: Hệ thống máy siêu lọc máu, trao đổi huyết tương; hệ thống chuyển mẫu xét nghiệm tự động; hệ thống xét nghiệm sinh hóa, huyết học; máy xạ trị gia tốc tuyến tính; máy Real time PCR… Bệnh viện đã cử hàng trăm bác sỹ, điều dưỡng đi đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề cao.
Hiện các kỹ thuật chuyên sâu đã được Bệnh viện thực hiện ở tất cả các chuyên khoa, gồm: Ngoại khoa; Nội khoa; Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh... Đầu tháng 7 vừa qua, Bệnh viện đã đầu tư thêm mới máy chụp mạch kỹ thuật số xóa nền, trị giá trên 25 tỷ đồng giúp nghiên cứu mạch máu trong cơ thể và thấy rõ hơn các thương tổn, bệnh lý mạch máu trước khi chỉ định can thiệp mạch.
Chị Lý Thị Chợ đến từ huyện Võ Nhai cho hay: Nhờ được thay thân đốt sống bằng vật liệu nhân tạo cùng sự chăm sóc tận tình của các y, bác sỹ mà tôi giờ đây tôi đã có thể đi lại được, chân không còn đau và yếu như trước. Còn đối với bệnh nhân Đinh Thị Nga, 58 tuổi đến từ huyện Đồng Hỷ phấn khởi cho biết: Sau hơn 1 tháng được thực hiện phẫu thuật thay khớp vai, vận động khớp vai của tôi đã trở lại bình thường…
Tiến sỹ Lê Thị Hương Lan, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện nhấn mạnh: Nhờ phát triển kỹ thuật chuyên sâu thay vì chỉ điều trị nội khoa đơn thuần đã rút ngắn được thời gian nằm viện của người bệnh (từ 15-30 ngày xuống còn 7-10 ngày), giảm chi phí điều trị, thời gian đi lại và khả năng phục hồi nhanh.
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhờ phát triển hệ thống xét nghiệm Khoa Miễn dịch - Sinh học - Phân tử, Bệnh viện đã trở thành đơn vị sớm nhất trong khu vực được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm sàng lọc và khẳng định virus SARS-CoV-2, đảm bảo chính xác và an toàn tuyệt đối.
Đặc biệt, tới đây khi Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 (Trung tâm) trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên ở Long An với quy mô 150 giường bệnh - tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19 đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ tiếp tục ứng dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo hay còn gọi là ECMO để điều trị bệnh nhân COVID-19 như chúng tôi đã và đang thực hiện tại Bệnh viện Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh).
Đây là kỹ thuật cao nhất của chuyên ngành Hồi sức tích cực, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Để thực hiện được kỹ thuật này, các y, bác sỹ phải có trình độ chuyên môn về hồi sức cao nhất và ê kíp thực hiện được kỹ thuật ECMO phải là một ê kíp hồi sức toàn diện, thực hiện được tất cả những kỹ thuật của chuyên ngành hồi sức.
Từ những kết quả đạt được đã cho thấy, việc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là bệnh viện thứ 6 trong toàn quốc được xếp hạng Bệnh viện hạng đặc biệt theo Quyết định số 811, ngày 14/7/2021 của Bộ Nội vụ là rất xứng đáng. Kết quả này không chỉ minh chứng rõ nét vai trò, nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong công tác khám và điều trị cho người bệnh mà còn xứng tầm là Bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối vùng Trung du miền núi phía Bắc.