Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 10-11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định mọi vaccine cho trẻ em được cấp phép đều không gây đột biến gene, không ảnh hưởng đến sinh sản và đều bảo đảm an toàn.
Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nêu vấn đề hiện nay có những thông tin về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ mRNA cho trẻ em ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết rõ vấn đề này và cơ sở khoa học để triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đại trà cho trẻ em tại Việt Nam.
Trả lời đại biểu Trần Hữu Hậu, Bộ trưởng Y tế cho biết việc tổ chức tiêm cho trẻ em đã tổng kết, căn cứ theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)… chính thức cho phép tiêm vaccine công nghệ mRNA cho trẻ em ở gần 40 nước trên thế giới.
“Cách làm là tiêm từ lứa tuổi cao xuống thấp, từ nhóm có bệnh lý nền. Hiện vaccine duy nhất sử dụng là Pfizer đã được cấp phép”, ông Long cho biết.
Về cơ chế khi tiêm vaccine tác động đến cơ thể trẻ em, ông Long khẳng định khi vào cơ thể vaccine không xâm nhập hệ gene ADN mà sẽ tạo ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus. Do đó, những ý kiến cho rằng vaccine gây đột biến, ảnh hưởng đến hệ sinh sản hoặc sự phát triển của trẻ đã được khẳng định không có, song về vấn đề này vẫn đang được tiếp tục theo dõi.
Bên cạnh đó, ông Long cũng thông tin thêm là về công nghệ vaccine bất hoạt dành cho trẻ em mà Sinopharm sản xuất, cũng được đánh giá là an toàn với trẻ.
"Mọi vaccine được cấp phép là bảo đảm an toàn với trẻ em", ông Long khẳng định.
Quang cảnh phiên chất vấn về lĩnh vực y tế, sáng 10-11.
Không chờ tiêm phủ vaccine mới cho trẻ em đến trường
Về vấn đề trẻ em chưa được đến trường, ông Long khẳng định đã trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống nhất là không quá lo lắng vì dịch bệnh mà không cho trẻ em đi học.
Ông Long cho rằng, cũng không nên đợi trẻ em tiêm phủ vaccine mới cho đi học trở lại vì rủi ro ở lứa tuổi này không cao.
“Bộ Y tế khuyến cáo xã, phường ở cấp độ 1 và 2 mạnh dạn cho các em đi học bình thường, nhưng hiện mới chỉ có 22 địa phương ở cấp độ 1 cho đi học”, ông Long cho biết.
Thông tin về chiến lược vaccine, ông Long thừa nhận, Việt Nam tiếp cận vaccine sớm nhưng mua bị chậm hơn, lý do là tình trạng khan hiếm vaccine, một số nước có vaccine đặt hàng với số lượng lớn, dẫn tới có tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine. Chưa kể tâm lý sử dụng vaccine, từ chối không tiêm vaccine diễn ra ở quy mô toàn cầu.
“Khi mua vaccine cũng phải vượt qua rào cản về mặt pháp luật, phải chấp nhận mọi điều kiện về mặt mua bán mà không được điều khoản thương thuyết, chấp nhận mọi rủi ro như giao hàng chậm, giá cả, không được trả lại vaccine, giao hàng không đúng thời hạn, nên gây khó khăn cho mua bán, tiếp nhận hợp đồng...”, ông Long giải trình.
Thay mặt Bộ Y tế, ông Long nhận trách nhiệm về vấn đề này và cho biết đã có kế hoạch tổng thể về COVID-19, sẽ triển khai để bảo đảm tiêm vaccine cho năm 2022.
Trả lời đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội) về vấn đề nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, Bộ trưởng Y tế cho biết đã có 2 đơn vị thử nghiệm lâm sàng đến giai đoạn 3. Bộ Y tế cắt ngắn về thủ tục hành chính nhưng vẫn phải bảo đảm chuyên môn và an toàn, nên đã thành lập Hội đồng Y đức và Hội đồng cấp phép, đánh giá an toàn và hiệu quả, nên cũng kỳ vọng sớm có “vaccine made in Việt Nam”.