Kỳ 1: Áo trắng sẻ chia “giọt hồng”
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 4.400 cán bộ y tế trực thuộc Sở Y tế quản lý và hơn 1.300 cán bộ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Là những người hiểu rõ nhất ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, lực lượng cán bộ, nhân viên y tế không chỉ thường xuyên tham gia hiến máu để lan tỏa phong trào giàu tính nhân văn này, mà còn sẵn sàng cho bệnh nhân máu trong những tình huống nguy cấp.
Cán bộ y tế Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tham gia hiến máu tại Trung tâm Huyết học. |
Sẵn sàng trong tình huống nguy cấp
Tuy thường xuyên nhận được những đơn vị máu từ các đợt hiến máu tình nguyện, nhưng lượng máu dự trữ trong tỉnh vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, cấp cứu cho người bệnh. Do đó, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phát động trong cán bộ, nhân viên y tế tham gia hiến máu tình nguyện để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Tại hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh (1 bệnh viện tuyến Trung ương, 12 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện) đều có danh sách cán bộ, y bác sĩ với đầy đủ thông tin cá nhân, số điện thoại liên lạc, thông tin nhóm máu để sẵn sàng hiến máu khi bệnh nhân cần. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ, Tết, để đề phòng tình huống nguồn máu cứu người khan hiếm, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh đều tổ chức cho cán bộ, nhân viên đăng ký trực hiến máu cấp cứu.
Đơn cử như Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã duy trì nhóm hiến máu trong tình huống khẩn cấp với hàng trăm cán bộ y tế tham gia. Hay như Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, vào dịp Tết hằng năm, đơn vị đều duy trì khoảng 20 thành viên sẵn sàng hiến máu khi cần…
Với trách nhiệm và tình cảm của người thầy thuốc, khi có tình huống nguy cấp, nhiều cán bộ, y bác sĩ không ngần ngại san sẻ những giọt máu đào của mình cứu chữa người bệnh. Điển hình là trường hợp của dược sĩ Hoàng Vũ Phong, Khoa Dược (Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên) đã nhiều lần hiến máu trong trường hợp nguy cấp. Trong đó, trường hợp anh nhớ nhất là cách đây hơn 10 năm. Khi nhận được thông tin một sản phụ bị tiền sản giật, có nhóm máu O, đang mổ thai cần truyền máu, tình huống nguy cấp nên anh Phong đã nhanh chóng đến hiến 350ml máu, giúp đưa người mẹ từ “cửa tử” trở về và giúp cháu bé chào đời an toàn, khỏe mạnh.
Dược sĩ Hoàng Vũ Phong, Khoa Dược (Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên): Tôi rất hạnh phúc khi những giọt máu của mình đã cứu được nhiều người bệnh, giúp họ từ “cửa tử” trở về với cuộc sống. |
Trò chuyện với dược sĩ Phong, điều chúng tôi cảm nhận ở anh là sự ấm áp và trái tim biết sẻ chia, yêu thương. Là một trong những người “chăm chỉ” hiến máu, đến nay, anh Phong không nhớ nổi mình đã hiến máu bao nhiêu lần. Anh chỉ nhớ khi vừa đủ 18 tuổi (khoảng năm 2002, 2003), bản thân đã cùng các đoàn viên của Trường THPT Chu Văn An (TP. Thái Nguyên) tham gia hiến máu. Từ đó đến nay, hầu như năm nào anh Phong cũng tham gia hiến máu cứu người. Một điều rất đáng trân trọng là vợ của anh Phong, chị Lê Thị Thu Trang - điều dưỡng Khoa Nội tiết của Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên cũng rất tích cực tham gia hiến máu. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, chị đã 3 lần hiến máu.
Với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, khi ngân hàng máu dự trữ bị cạn kiệt, các cán bộ y tế đã không ngần ngại hiến máu cứu người. Bác sĩ Trần Thanh Tuấn, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), người có gần 20 lần hiến máu để cứu chữa bệnh nhân, nói: Trước đây, những tình nguyện viên hiến máu như tôi có thể tham gia hiến máu trực tiếp cho người bệnh. Hiện nay, máu không được truyền toàn phần mà cần tách riêng huyết tương nên nguồn máu cần được tích trữ. Do đó, ở bất kỳ thời điểm nào, chúng tôi không ngần ngại cho đi những giọt máu của mình.
Lan tỏa phong trào tốt đẹp
Vừa làm “tuyên truyền viên”, vừa trực tiếp tham gia hiến máu, lực lượng cán bộ y tế trong tỉnh đã tạo được phong trào hiến máu rộng khắp. Trung bình mỗi năm, ngành Y tế tổ chức 2 đợt hiến máu, với sự tham gia của tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh và y tế cơ sở. Bác sĩ CKII Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên, cho rằng: Khi cán bộ y tế đi đầu trong phong trào hiến máu nhân đạo, người dân cũng sẽ nhìn vào đó để cùng hưởng ứng và làm theo.
Bác sĩ CKI Đỗ Thị Hương, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ - người đã 15 lần hiến máu: Năm 2021, bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ tại Bệnh viện rất cần máu, trong khi ở tuyến trên, nguồn máu dự trữ bị thiếu. Do vậy, tôi và 6 đồng nghiệp đã về tận Trung tâm Huyết học (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) để hiến máu cho người bệnh. Hưởng ứng Chương trình hiến máu cứu người do ngành Y tế tổ chức vào tháng 5 tới, tôi sẽ tiếp tục đăng ký tham gia hiến máu lần thứ 16... |
Trò chuyện với các cán bộ y tế, chúng tôi vô cùng trân trọng những tình cảm mà các “thiên thần” áo trắng dành cho người bệnh. Mỗi người khi tham gia hiến máu đều mang trong mình những tình cảm, sự sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng. Giờ đây, “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” không còn là thông điệp mà đã trở thành khẩu hiệu của cán bộ ngành Y tế.
Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Năm nào các hoạt động hiến máu của ngành Y tế cũng nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của cán bộ, viên chức, người lao động. Mỗi đơn vị có từ 20 đến 40 người tham gia, trong đó, nhiều người tham gia hiến máu 2-3 lần/năm.
Ngoài tham gia các chương trình hiến máu chung của Ngành, nhiều cán bộ là đoàn viên, thanh niên của các cơ sở khám, chữa bệnh còn tham gia hiến máu tình nguyện trong các chương trình do tổ chức Đoàn phát động. Gần đây nhất (vào trung tuần tháng 3), với tinh thần: “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, nhiều đoàn viên, thanh niên của Bệnh viện A Thái Nguyên đã tham gia chương trình Hiến máu tình nguyện năm 2023 do Thành đoàn Thái Nguyên phát động.
Anh Nguyễn Tuấn Dũng, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện A, nhận định: Đây là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực, phục vụ cho công tác cứu, chữa bệnh người bệnh và thể hiện tinh thần tương thân tương ái, xung kích, tình nguyện, trách nhiệm với cộng đồng của tuổi trẻ ngành Y.
Nhiều năm nay, nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người của mỗi cán bộ, nhân viên y tế không chỉ được nhân rộng trong toàn Ngành, mà đã lan tỏa tới cộng đồng và toàn xã hội. Từ đó, hàng nghìn đơn vị máu đã đến được với người bệnh, những người đang ở “lằn ranh” của sự sống và cái chết, giúp họ hồi sinh, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin