Số ca COVID-19 tăng mạnh, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường ứng phó

TNĐT 16:41, 18/04/2023

Bộ Y tế vừa ban hành công văn về việc tăng cường công tác thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19 trong bối cảnh ca mắc tăng.

Tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Bốn ngày ghi nhận 3.303 ca COVID-19

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong bảy ngày từ 5-4 đến 11-4, cả nước ghi nhận 639 ca mới, trung bình 90 ca mắc mỗi ngày. Qua phân tích 639 ca, ghi nhận 193 trường hợp từ 50 tuổi trở lên (chiếm 30,2%). Số người nhập viện cũng có xu hướng tăng và có 10 ca nặng.

Riêng bốn ngày (14, 15, 16 và 17-4), cả nước ghi nhận 3.303 người mắc mới, trung bình mỗi ngày 826 ca mắc.

Để chủ động ứng phó dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc bộ, thủ trưởng y tế các bộ, ngành rà soát, đánh giá và khẩn trương triển khai giải pháp.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của đơn vị theo nguyên tắc "4 tại chỗ"; phân công số giường bệnh điều trị tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện.

Các đơn vị cần dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi dịch bệnh có thể xảy ra diễn biến phức tạp.

Với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các bệnh viện, khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ nhiễm bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc COVID-19 tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng.

Vẫn còn nhiều nơi tiêm vắc-xin thấp

Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số vắc-xin COVID-19 đã tiêm là 266.097.145 liều. Số mũi tiêm trong ngày 17-4 là 4.854 tại 14 tỉnh, thành phố, trong đó 3.973 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 881 mũi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Đối với nhóm từ 18 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt tổng số 52.041.968 mũi tiêm (81,7%). 5 tỉnh, thành phố tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp gồm Quảng Bình (65,5%), Quảng Nam (63,6%); Bình Định (65,4%); Đồng Nai (53,9%); Đồng Tháp (60,7%).

3 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm cao: Nghệ An (100,1%); Lâm Đồng (102,8%); Sóc Trăng (100,7%). Tiêm mũi 4 đạt tổng số có 17.737.634 mũi tiêm (88,6%). 

Nhóm từ 12-17 tuổi, số tiêm mũi 3 là 5.813.288 (69,3%).

5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp gồm Đà Nẵng (43,7%); Quảng Ngãi (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP. Hồ Chí Minh (36,4%); Đồng Nai (43,1%).

3 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm cao gồm Bắc Giang (99,3%); Lâm Đồng (111,3%); Sóc Trăng (103,5%).

Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, tổng số mũi tiêm đã thực hiện ở nhóm tuổi này là 18.630.322 mũi tiêm. Trong đó, mũi 1 là 10.203.682 mũi tiêm (92,4%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ thấp gồm Hà Nội (77,6%); Hải Phòng (72,7%); Đà Nẵng (68,6%); TP. Hồ Chí Minh (64,9%), Bà Ria - Vũng Tàu (77%).

Số mũi tiêm thứ 2 đến nay là 8.426.640 (76,3%) được tiêm cho nhóm tuổi này. Một số địa phương tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ thấp như Quảng Bình (57,4%); Đà Nẵng (37,3%); Quảng Nam (49,4%); TP. Hồ Chí Minh (41,7%), Bà Rịa - Vũng Tàu (53,1%).

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong bảng phân loại cấp độ dịch hiện nay, Việt Nam vẫn ở “màu xanh”, nghĩa là không vượt qua cấp độ 1, tình hình dịch trong kiểm soát dù số ca mắc tăng, kể cả có tăng cục bộ ở nơi này nơi kia nhưng vẫn kiểm soát.

Thời gian tới, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết và phòng chống. Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong.