Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

Tùng Lâm 08:44, 03/07/2023

Thời gian qua, dịch tay chân miệng trong nước diễn biến phức tạp tai các tỉnh phía Nam với 12,6 nghìn trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có 7 ca tử vong. Tại Thái Nguyên, tay chân miệng chưa phát sinh thành các ổ dịch lớn nhưng cũng đã xuất hiện các ca bệnh nhỏ lẻ. Riêng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có khoảng 100 trường hợp mắc bệnh. Do đó, việc phòng, chống bệnh tay chân miệng đang được Thái Nguyên đặc biệt quan tâm.

Cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ để phát hiện bệnh tay chân miệng và viêm đường hô hấp kịp thời.
Cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ để phát hiện bệnh tay chân miệng và viêm đường hô hấp kịp thời.

Thời tiết lúc mưa, lúc nắng như hiện nay đang là thời điểm khiến trẻ dễ mắc tay chân miệng. Ông Trịnh Ngọc Linh, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), nói: Do bạn học của cháu tôi có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng nên để bảo đảm an toàn, gia đình tôi đã xin cho cháu nghỉ khoảng 3 tuần nay.

Do nắm bắt được những diễn biến khó lường của bệnh tay chân miệng trong cả nước nên cũng giống như ông Linh, nhiều gia đình đã cho con (đang học bậc mầm non nghỉ thay vì cho đi học hè) để tránh bị nhiễm bệnh.

Chia sẻ về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh, bác sĩ Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), cho biết: Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm được lây từ người sang người dẫn đến dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra, trong đó, đối tượng dễ mắc là trẻ em vì sức đề kháng yếu. Biểu hiện đặc trưng của bệnh đó là khiến vùng da bị tổn thương, vùng niêm mạc tồn tại dưới dạng phỏng nước tập trung chủ yếu tại miệng, lòng bàn tay, bàn chân. Đường lây nhiễm chính của tay chân miệng qua hệ tiêu hóa từ tuyến nước bọt hay phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phát triển thành ổ dịch thường là trường mẫu giáo, nhà trẻ…

Cũng theo bác sĩ Thư, trong trường hợp không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường như dẫn đến một trong những bệnh viêm màng não, viêm não, viêm não tủy; đồng thời kèm theo những biểu hiện như hay giật mình, đi không vững, mắt nhìn ngược, nhãn cầu bị rung hoặc giật...

Đặc biệt, bệnh gây biến chứng về hô hấp, tim mạch, dẫn đến bệnh viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện, xử lý nhanh chóng…

Nhằm ngăn chặn bệnh tay chân miệng phát sinh thành các ổ dịch lớn, thời gian qua, ngành Y tế Thái Nguyên thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để sớm phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch mới; tiến hành ngay việc lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

Cùng với đó là chuẩn bị các điều kiện để có thể tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Ngoài ra, Ngành đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh, nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện 3 sạch “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Bên cạnh đó, ngành Y tế còn đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống; tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh tay chân miệng tại tất cả các tuyến, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.

Song song với đó là tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra, hỗ trợ các địa phương và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, khuyến cáo: Người dân cũng cần chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng bằng cách hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh nếu không thực sự cần thiết; cách ly trẻ bị mắc bệnh tại nhà để tránh việc lây lan; theo dõi, quan sát trẻ bị sốt trong vùng dịch bệnh, cần thiết nên đưa trẻ đi cách ly… Khi phát hiện trẻ bị mắc bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.