1.000 ngày đầu đời của trẻ được được tính bằng thời gian mang thai của người mẹ và 2 năm đầu đời của trẻ. Đây được coi là 1.000 ngày vàng. Đầu tư vào chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này chính là nền tảng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, cảm xúc của một con người. Vậy làm thế nào để có sự chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này đúng cách, phù hợp và hiệu quả?
MC Hoài Anh và 2 vị khách mời. |
Nội dung này sẽ được Báo Thái Nguyên đề cập trong Chương trình Giao lưu trực tuyến ngày hôm nay với chủ đề "Dinh dưỡng 1.000 ngày vàng cho trẻ" cùng sự tham gia của 2 vị khách mời:
1. Bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên
2. Bác sĩ Bùi Thị Lan Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên
Xin được cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Trước tiên, mời quý vị cùng theo dõi một clip ngắn ngay sau đây.
MC Hoài Anh: Thưa 2 vị khách mời, qua phóng sự vừa rồi chúng ta có thể thấy sự quan trọng của 1.000 ngày đầu đời đối với sự phát triển của trẻ. Cuối năm 2019, Thủ tướng ban hành Quyết định về chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”. Xin bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn chia sẻ với khán giả của về mục tiêu của Chương trình? Cũng như việc triển khai tại Thái Nguyên trong thời gian qua?
Bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên. |
Bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn: Vâng! Xin cảm ơn câu hỏi của chương trình. Kính thưa quý vị và các bạn! Quyết định 1896/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”, với các mục tiêu cụ thể trọng tâm đó là:
+ Nâng tỷ lệ bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh;
+ Nâng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho đến khi trẻ 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn;
+ Nâng tỷ lệ cho trẻ 6 tháng – 24 tháng ăn bổ sung đúng cách.
Tại Thái Nguyên, UBND tỉnh đã rất kịp thời ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 6/4/2020 về “Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời giai đoạn 2020-2025”. Điều đó rất tuyệt vời, thuận lợi cho ngành Y tế triển khai Chương trình này tại tỉnh.
Với chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, chúng tôi đã tham mưu cho Sở Y tế và tổ chức thực hiện cũng như hướng dẫn cơ sở thực hiện các hoạt động của chương trình nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2020-2025, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thái Nguyên đã thành lập được 7 mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại các xã vùng 3 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Qua thống kê và giám sát, ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về dinh dưỡng của trẻ em: tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em trên địa bàn thấp hơn so với khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tỷ lệ này giảm đều qua các năm, cụ thể kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng tại Thái Nguyên:
+ Tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân dưới 5 tuổi năm 2023: 10,3%; so với năm 2020: 12,3%;
+ Tỷ lệ trẻ SDD thể thấp còi dưới 5 tuổi năm 2023: 19,8%; so với năm 2020: 21,4%.
MC Hoài Anh |
MC Hoài Anh: Vậy thưa bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn, hiện nay, nhận thức của các gia đình, nhất là các bà mẹ về tầm quan trọng của 1.000 ngày đầu đời cho trẻ như thế nào?
Bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn: Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, công nghệ thông tin và sự nỗ lực truyền thông tư vấn của ngành y tế về lĩnh vực này, nhìn chung nhận thức của người dân về vấn đề dinh dưỡng đối với sức khoẻ nói chung và vấn đề chăm sóc sinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời được nâng lên. Tuy nhiên, qua quá trình giám sát và quản lý chuyên môn cho thấy, nhận thức của người dân về vấn đề này còn rất hạn chế ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chăm sóc trẻ là ông bà cao tuổi…
MC Hoài Anh: Là một người thường xuyên chăm sóc bà mẹ và trẻ em, vậy thì bác sĩ Bùi Thị Lan Thanh có thể chia sẻ câu hỏi thường gặp nhất của các bà mẹ khi thắc mắc về quá trình chăm sóc 1.000 ngày đầu đời của trẻ cần bác sĩ giải đáp, hỗ trợ?
Bác sĩ Bùi Thị Lan Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên. |
Bác sĩ Bùi Thị Lan Thanh: Một trong những câu hỏi mà chúng tôi thường gặp nhất, đó là: Làm thế nào để đảm bảo dinh dưỡng trong thai kỳ để con phát triển khỏe mạnh, không có nguy cơ SDD bào thai mà người mẹ không bị tăng cân quá mức?
Rất nhiều bà mẹ có tâm lý lo lắng sợ con bị nhẹ cân khi sinh ra nên ngay khi mới bắt đầu mang thai cố gắng ăn thật nhiều để giúp con được to hơn, khỏe hơn và kết quả là người mẹ tăng cân rất nhiều, phải đối diện với các nguy cơ bệnh không lây nhiễm trong khi con sinh ra cũng chỉ đạt 3.000g hoặc thậm chí thấp hơn.
Mức tăng cân của bà mẹ tùy theo tình trạng dinh dưỡng (chỉ số khối cơ thể: BMI) trước khi có thai để đạt mức tăng cân hợp lý:
- Tình trạng dinh dưỡng tốt (BMI: 18,5-24,9): Mức tăng cân nên đạt là 20% cân nặng trước khi có thai.
- Tình trạng dinh dưỡng gầy (BMI<18,5): mức tăng cân nên đạt 25% cân nặng trước khi có thai.
- Tình trạng dinh dưỡng thừa cân - béo phì (TC-BP) (BMI≥25): mức tăng cân nên đạt 15% cân nặng trước khi có thai
Như vậy trong quá trình mang thai, đối với người phụ nữ bình thường cần tăng từ 10-12kg và tùy theo tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ để điều chỉnh mức tăng cân phù hợp.
Nhưng các bà mẹ cần lưu ý về mức tăng cân trong từng giai đoạn của thai kỳ là khác nhau, nhiều người ngay trong giai đoạn đầu thai kỳ tẩm bổ rất nhiều trong khi lúc này trẻ chưa cần nhiều chất dinh dưỡng, việc cần thiết là bổ sung vi chất dinh dưỡng để trẻ hình thành và phát triển. Giai đoạn 3 tháng cuối là giai đoạn thai phát triển cân nặng nhanh nhất, lúc này bào thai phát triển rất nhanh, cần nhiều chất dinh dưỡng thì bà mẹ do bị tăng cân quá mức trong giai đoạn đầu nên lại “ăn kiêng” hoặc ăn giảm đi khiến đứa trẻ không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết ở giai đoạn này, khiến cân nặng khi sinh của trẻ thấp.
3 tháng đầu tăng 1kg thì bào thai tăng 0,1kg, 3 tháng giữa mẹ tăng 4-5kg thì bào thai được 1kg, 3 tháng cuối mẹ tăng 5-6kg, bào thai tăng được 2kg. Như vậy, khi sinh ra đứa trẻ được 3kg, khỏe mạnh, người mẹ không bị tăng cân quá mức.
Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ còn tăng khả năng tạo sữa sau sinh của mẹ, giảm nguy cơ mắc một số bệnh cho mẹ: bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ, nguy cơ sẩy thai cao, sinh non, sinh con nhẹ cân, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ...
Lãnh đạo Báo Thái Nguyên và các vị đại biểu, khách mời, MC, trao đổi bên lề buổi giao lưu trực tuyến. |
MC Hoài Anh: Cùng với sự phát triển của xã hội, các gia đình ngày càng chú trọng chăm sóc trẻ ngay từ trong giai đoạn thai kỳ và những ngày đầu đời. Tuy nhiên, cũng có nhiều bà mẹ tìm đến các loại sữa, thuốc, thực phẩm hỗ trợ bồi bổ cho mẹ và bé. Theo bác sĩ điều này có nên hay không?
Bác sĩ Bùi Thị Lan Thanh: Nuôi dưỡng trẻ thì chủ yếu chúng ta cho trẻ ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ phát triển đầy đủ. Trẻ bình thường cần được ăn đủ các nhóm thực phẩm, trước kia thì khuyến cáo đủ 4 nhóm thực phẩm chất bột, đạm, vitamin và chất béo, trẻ nhỏ có thêm sữa mẹ tuỳ theo nhu cầu lứa tuổi.
Nhưng hiện nay, trẻ được khuyên nên ăn đa dạng thực phẩm tức là ăn 5/8 nhóm thực phẩm bao gồm: nhóm lương thực; nhóm đậu, đỗ; nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa; nhóm trứng và các sản phẩm; nhóm thịt cá, hải sản; nhóm củ quả màu sẫm, da cam, đỏ hoặc rau tươi có màu xanh thẫm; nhóm củ quả khác; nhóm dầu mỡ bơ, trong đó luôn phải có nhóm chất béo dầu mỡ bơ.
Trong các trường hợp trẻ bệnh thì cần bổ sung thêm thuốc và thực phẩm bổ sung để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, chế độ ăn của trẻ được chia nhỏ, tăng cường các loại thực phẩm có nhiều vitamin C hoặc bổ sung vitamin nhằm giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Các bậc phụ huynh nên chú ý dinh dưỡng cân đối cho trẻ. |
MC Hoài Anh: Vậy bác sĩ có lời khuyên nào giành cho các bậc cha mẹ để không mắc phải các “bẫy dinh dưỡng” khi quá nghe, tin vào các lời quảng cáo, truyền thông về tác dụng thần thánh của các loại sữa, thuốc, thực phẩm chức năng cho trẻ?
Bác sĩ Bùi Thị Lan Thanh: Các bậc cha mẹ thường mong muốn tạo điều kiện tốt nhất để con phát triển khỏe mạnh, thông minh, lanh lợi nên lựa chọn cho con dùng một số loại thuốc hay thực phẩm chức năng. Hiện nay trên thị trường đặc biệt là thị trường mạng có quảng cáo bán rất nhiều các loại sữa, thuốc và thực phẩm chức năng mà ngay cả người bán hàng cũng chưa hiểu hết được tác dụng của loại sản phẩm đó.
Đối với trẻ khỏe mạnh, có chế độ dinh dưỡng tốt, không có nguy cơ gì thì không cần bổ sung thuốc hay thực phẩm chức năng. Các loại thuốc và thực phẩm chức năng chỉ nên sử dụng khi trẻ có vấn đề về sức khoẻ, trẻ bị ốm, trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết. Và các loại này cần phải sử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh nguy cơ thừa quá nhiều 1 loại vi chất nào đó hoặc gây tương tác giữa các loại thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Ví dụ như trẻ dùng quá nhiều vitamin D gây chán ăn, đào thải vitamin K2 khiến không giữ được canxi trong xương gây loãng xương, thừa sắt gây ảnh hưởng gan, da sạm đi… thừa canxi gây sỏi thận, táo bón cho trẻ. Hoặc là sử dụng vitamin A liều cao 100-200.000IU, hiện nay chỉ có cấp phát miễn phí ở Trạm y tế xã cho trẻ 6-35 tháng tuổi, không có loại liều cao trên thị trường Việt Nam, các loại được rao bán đều không rõ thành phần của thuốc nhưng lại được rất nhiều các bà mẹ mua để sử dụng cho con. Vì vậy việc sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng cho con, các bà mẹ nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để bảo vệ sức khỏe của trẻ được tốt hơn.
Để tránh trẻ lười ăn hoặc sợ ăn, ngay từ khi trong thời kỳ mang thai cần đảm bảo đủ dinh dưỡng cho người mẹ theo từng giai đoạn thai kỳ. |
MC Hoài Anh: Tuy nhiên không phải trẻ nhỏ nào cũng ăn chủ động, có nhiều em bé rất lười ăn, sợ ăn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ. Vậy các bố, mẹ phải làm như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng cho con trong hoàn cảnh này, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Bùi Thị Lan Thanh: Đối với trẻ nhỏ, việc chăm sóc cho trẻ ngay từ khi mang thai cho đến khi trẻ tròn hai tuổi là rất quan trọng, đây là giai đoạn duy nhất tạo nền tảng cho sự phát triển tối đa về tiềm năng thể chất và trí tuệ, giảm các nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây ở giai đoạn sau của cuộc đời.
Để tránh trẻ lười ăn hoặc sợ ăn, ngay từ khi trong thời kỳ mang thai cần đảm bảo đủ dinh dưỡng cho người mẹ theo từng giai đoạn thai kỳ, người mẹ cần ăn đủ các nhóm thực phẩm, cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng, dinh dưỡng tốt trong thai kỳ là tiền đề để cả mẹ và thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Khi trẻ đến giai đoạn tập ăn, tức là trẻ tròn 6 tháng tuổi, ngoài việc tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, gia đình cần cho trẻ ăn bổ sung đủ các nhóm chất dinh dưỡng, ăn đa dạng thực phẩm, đa dạng các món ngay từ những ngày đầu để trẻ có cơ hội làm quen với các loại thức ăn, tránh cho trẻ kén chọn 1 số loại thực phẩm. Khi trẻ ăn đa dạng thực phẩm, trẻ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, trẻ có cơ hội nhận được nhiều loại vitamin khác nhau, trẻ khỏe mạnh hơn. Ngoài ra gia đình cần khuyến khích để trẻ học cách ăn, kiên trì giúp cho trẻ ăn. Có như vậy mới đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ phát triển khỏe mạnh.
Thời gian mang thai rất quan trọng để trẻ sinh ra có sức khỏe tốt nhất. |
MC Hoài Anh: Việt Nam đang phải đối phó với đồng thời 3 gánh nặng về dinh dưỡng, bao gồm: thiếu dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng. Bên cạnh thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn tồn tại dai dẳng ở các khu vực khó khăn như nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc, vấn đề thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng đặc biệt ở khu vực đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là việc thực hành dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời chưa đảm bảo. Bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn nhận định như thế nào về vấn đề này?
Bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn: Vâng! Theo tôi, trên cơ sở bằng chứng khoa học, các chuyên gia nhận định được nguyên nhân của các vấn đề về dinh dưỡng mà Việt Nam đang phải đối mặt và tỉnh ta cũng không ngoại lệ sẽ giúp cho những nhà chuyên môn, các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch để có những giải pháp can thiệp tốt nhất để khắc phục.
Tác giả Baker và cộng sự 1986-1996 cũng đã nhận định rằng “thiếu dinh dưỡng thời kỳ đầu thai kỳ thì con sinh ra không bị thấp cân nhưng sau này tỷ lệ mắc thừa cân béo phì và bệnh tim mạch cao. Nếu thiếu dinh dưỡng thời kỳ cuối bào thai thì nguy cơ đẻ ra nhẹ cân và tỷ lệ rối loạn chuyển hoá Glucose cao hơn.
Cũng như những thông tin ban đầu mà Chương trình cung cấp về khái niệm chăm sóc 1.000 ngày đầu đời thì việc thực hành chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày vàng hợp lý, đúng cách là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện các vấn đề thừa thiếu dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, chính là góp phần quan trọng cho cải thiện tầm vóc người Việt Nam trong tương lai.
Thái Nguyên đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ trong những ngày đầu đời. |
MC Hoài Anh: Trước những cảnh báo và nguy cơ về sức khỏe của trẻ sẽ phải đối diện nếu không được chăm sóc đúng cách, phù hợp trong 1.000 ngày đầu, ngành Y tế Thái Nguyên đã, đang và sẽ có những giải pháp, khuyến nghị gì?
Bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn: Vâng, trước những vấn đề đó, tỉnh ta đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm:
- Vận động chính sách và sự tham gia của các cấp uỷ chính quyền địa phương tạo sự đồng thuận phối hợp, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện về lĩnh vực dinh dưỡng với sức khoẻ nói chung và Chương trình 1.000 ngày đầu đời nói riêng trên địa bàn
- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả truyền thông nâng cao nhận thức và để thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho đối tượng phụ nữ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi, người chăm sóc trẻ và cộng đồng.
- Triển khai hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn, can thiệp có hiệu quả và khả thi cho đối tượng đích theo đúng Hướng dẫn chuyên môn của Bộ y tế, ví dụ: bổ sung vi chất, dinh dưỡng hợp lý thời kỳ bào thai, thực hành bú mẹ đúng cách, ăn bổ sung đúng cách, phối hợp tiêm chủng, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 2 tuổi.
Lãnh đạo Báo Thái Nguyên, các vị đại biểu, khách mời, MC chụp ảnh lưu niệm tại buổi Tọa đàm. |
MC Hoài Anh: Thưa quý vị, có thể khẳng định, Dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời là cửa sổ cơ hội cho tất cả người mẹ cũng như cán bộ y tế và những người liên quan. Nếu biết tận dụng tối đa cơ hội đó để thực hiện chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và con ngay từ khi mang thai cho đến 2 năm đầu đời của trẻ, chúng ta hoàn toàn tin vào một thế hệ tương lai con người Việt Nam khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần.
Với mục tiêu góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người dân trên địa bàn tỉnh, công tác cải thiện dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ luôn được ngành y tế chú trọng. Và hy vọng những thông tin mà 2 khách mời chia sẻ trong chương trình hôm nay cùng các khán giả của Báo Thái Nguyên sẽ góp phần nâng cao kỹ năng, kiến thức làm mẹ và kiến thức nuôi con cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ và người chăm sóc trẻ.
Đến đây thì thời lượng Chương trình Giao lưu trực tuyến Dinh dưỡng 1.000 ngày vàng cho trẻ cũng xin được khép lại, cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình, cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin